IDC: 10 xu hướng công nghệ thông tin và truyền thông hàng đầu của ASEAN

06:30' - 01/02/2022
BNEWS Các nền kinh tế thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật số với doanh nghiệp ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới sẽ ngày càng gia tăng theo thời gian.

Trong bối cảnh các nước ASEAN tiếp tục phải đối mặt với những tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, và cả cách thức các doanh nghiệp ứng phó trước những thay đổi, việc đẩy mạnh chuyển đổi kỹ thuật số là vấn đề ưu tiên trên hết.

Các nền kinh tế thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật số, với doanh nghiệp ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới sẽ ngày càng gia tăng theo thời gian. Xu hướng này được cho là đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng.

Các doanh nghiệp ASEAN không chỉ tìm cách đổi mới và tìm kiếm lợi nhuận từ các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số, mà họ còn trở thành một phần của hệ sinh thái kỹ thuật số đang ngày càng phát triển này.

Theo Giám đốc nghiên cứu cấp cao khu vực ASEAN của Công ty nghiên cứu thị trường International Data Corporation (IDC) Dharmaraj Sivalingam, trong tương lai, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp ASEAN thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác trong hệ sinh thái kỹ thuật số, để thu được lợi nhuận từ dữ liệu được chia sẻ, các ứng dụng và sáng kiến vận hành. Điều này sẽ dẫn đến sự ra đời của các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo cũng như sự tương tác và trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Sau đây là 10 dự báo về xu hướng kinh doanh và công nghệ thông tin (CNTT) – truyền thông tại khu vực ASEAN trong tương lai, giúp định hình cách các doanh nghiệp và ngành công nghiệp ASEAN hoạt động theo hướng tiên phong ứng dụng công nghệ kỹ thuật số:

1. Quy tắc kỹ thuật số: Đến năm 2023, cứ 3 công ty thì có 1 công ty tạo ra hơn 15% doanh thu từ các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số, so với tỷ lệ 1 công ty trong số 6 công ty năm 2020.

2. Vấn đề đa dạng: Đến năm 2025, 55% sản phẩm đổi mới kỹ thuật số thành công sẽ được tạo dựng nên bởi một nhóm nhiều nhân tài, bao gồm những người có kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện, phân tích và các kỹ sư phần mềm.

3. Giá trị của lòng tin: Đến năm 2023, 35% các doanh nghiệp ASEAN sẽ phân bổ 1/2 ngân sách an ninh để sử dụng cho các hệ sinh thái và nền tảng công nghệ chéo vốn có khả năng bảo mật mang tính hệ thống nhằm thúc đẩy đổi mới nhanh hơn.

4. Giá trị của các hệ sinh thái: Đến năm 2026, các công ty thuộc top 500 công ty hàng đầu ASEAN có trung bình 30% doanh thu đến từ các sáng kiến chia sẻ dữ liệu, ứng dụng và hoạt động trong hệ sinh thái với các đối tác, đơn vị cùng ngành và mạng lưới kinh doanh.

5. Mở rộng quy mô với công nghệ "song sinh kỹ thuật số" (digital twin): Theo Deloitte, digital twin là hồ sơ kỹ thuật số đang phát triển về hành vi lịch sử và hiện tại của một đối tượng hoặc quy trình vật lý giúp tối ưu hóa hiệu suất kinh doanh. Từ năm 2021 - 2027, số lượng tài sản vật lý và quy trình mới được mô phỏng theo công nghệ này sẽ tăng từ 2% lên 24%.

6. Mở rộng quy mô với kiến thức: 25% doanh nghiệp lớn sẽ thấy việc sử dụng thông tin được cải thiện 20% vào năm 2026 do đầu tư vào mạng kiến thức thông minh biến dữ liệu có cấu trúc/phi cấu trúc thành kiến thức có thể khám phá và vận dụng.

7. Văn hóa dựa trên bằng chứng (evidence-based culture) là điều tối quan trọng đối với các doanh nghiệp ưu tiên kỹ thuật số: Đến năm 2026, 20% các doanh nghiệp ASEAN sẽ sử dụng các hình thức kinh tế học hành vi và hiểu biết dựa trên AI/ML (trí tuệ nhân tạo/máy học) để thúc đẩy hành động của nhân viên, giúp tăng hiệu suất thêm 60%.

8. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là cốt lõi của các doanh nghiệp trong tương lai: Đến năm 2025, sự bùng nổ cao gấp 6 lần về khối lượng công việc phụ trợ cao dẫn đến việc 65% trong số 500 công ty hàng đầu ASEAN sẽ sử dụng các khuôn khổ quản trị được thiết kế đồng nhất để đảm bảo sự phù hợp trong công tác báo cáo và kiểm toán.

9. Giá trị kinh doanh của các mạng lưới: Đến năm 2022, hơn 50% doanh nghiệp ASEAN sẽ ưu tiên khả năng phục hồi kết nối để đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, mang lại sự tương tác kỹ thuật số thông suốt với khách hàng, nhân viên và đối tác.

10. Giá trị kinh doanh của CNTT: Đến năm 2024, các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng kỹ thuật số sẽ thúc đẩy các mô hình hoạt động linh hoạt bằng cách chuyển 50% tổng đầu tư cho công nghệ và dịch vụ sang các mô hình dịch vụ và lấy kết quả làm trung tâm.

Giám đốc điều hành IDC ASEAN Sudev Bangah cho rằng tương lai của các doanh nghiệp ASEAN thực sự đã “nằm trong lòng bàn tay”. Đã đến lúc các doanh nghiệp ASEAN nắm bắt và tạo ra lợi nhuận mong muốn trong hoạt động kinh doanh của mình.

Công nghệ không chỉ là yếu tố mang tính thúc đẩy mà còn là công cụ để các tổ chức này lựa chọn để phát triển trong vòng 1-5 năm tới. Với hơn 85% doanh nghiệp ASEAN lựa chọn ứng dụng các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số (DX), công nghệ sẽ đóng vai trò định hình xu hướng của thế giới tiên phong ứng dụng kỹ thuật số./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục