IEA: Căng thẳng Nga - Ukraine sẽ không làm đứt gãy nguồn cung dầu mỏ

07:10' - 13/05/2022
BNEWS Theo IEA, việc Nga ngày càng bị cô lập sẽ không gây ra đứt gãy "nghiêm trọng" nguồn cung dầu mỏ toàn cầu do sản lượng từ các nước khác đang tăng và nhu cầu từ Trung Quốc đang giảm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 12/5 cho biết việc Nga ngày càng bị cô lập sẽ không gây ra đứt gãy "nghiêm trọng" nguồn cung dầu mỏ toàn cầu do sản lượng từ các nước khác đang tăng và nhu cầu từ Trung Quốc đang giảm.

Trước đó, IEA từng cảnh báo rằng xung đột tại Ukraine có thể gây ra một "cú sốc" nguồn cung toàn cầu.

Tuy nhiên, trong báo cáo hằng tháng mới nhất, cơ quan này cho biết Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) có kế hoạch cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga sẽ "thúc đẩy sự tái định hướng các dòng thương mại" và buộc Nga phải giảm sản lượng.

Nhưng "ngay cả như vậy, việc tăng sản lượng bền vững ở những nước khác, cộng thêm nhu cầu dầu mỏ tăng chậm lại, nhất là ở Trung Quốc, sẽ bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung trong tương lai gần.

IEA cho biết sau khi nguồn cung giảm gần 1 triệu thùng/ngày hồi tháng 4, dự báo cung có thể thiếu 3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối của năm nay. Mỹ và các nước giàu khác đã quyết định mở kho dự trữ dầu mỏ khẩn cấp của mình nhằm giảm đà tăng của giá.

Trên thực tế, xung đột tại Ukraine từ ngày 24/2 đã làm giá dầu tăng chóng mặt, nhưng việc Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - áp đặt các biện pháp phong tỏa vì làn sóng dịch COVID-19 đã tác động đến tổng cầu về dầu.

IEA cho biết sản lượng "tăng bền vững" tại Mỹ và các nước thành viên ở Trung Đông của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ  và các đối tác (OPEC+) sẽ giúp bù đắp vào sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga.

IEA dự báo không kể Nga, sản lượng dầu mỏ thế giới dự báo tăng 3,1 triệu thùng/ngày từ tháng 5 đến tháng 12. Trong khi đó, nhu cầu dầu mỏ thế giới dự báo giảm xuống còn 1,9 triệu thùng/ngày trong quý II, giảm nhanh gấp đôi tốc độ trong quý I.

Nhưng nhu cầu dự báo sẽ tăng trở lại do việc đi lại tăng trong mùa du lịch nghỉ dưỡng. Nhu cầu năm 2022 dự kiến đạt 99,4 triệu thùng/ngày, tăng 1,8 triệu thùng/ngày.

Ngày 12/5, OPEC cũng đã cắt giảm dự báo nhu cầu, cho rằng nhu cầu sẽ tăng 3,4 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 100,3 triệu thùng trong năm 2022, cao hơn 100.000 thùng so với nhu cầu năm 2019, trước khi bùng phát đại dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục