IEA: Chiến tranh thương mại có thể cản trở sự phát triển của AI

15:26' - 10/04/2025
BNEWS IEA nhận định sự leo thang căng thẳng thuế quan toàn cầu có thể làm chậm đà tăng trưởng của lĩnh vực dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Bà Laura Cozzi, Giám đốc Bền vững, Công nghệ và Triển vọng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhận định sự leo thang căng thẳng thuế quan toàn cầu có thể đặt ra những thách thức đối với lĩnh vực trung tâm dữ liệu còn non trẻ và làm chậm đà tăng trưởng của lĩnh vực này.

Trong một báo cáo ngày 10/4, IEA cho biết Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ chiếm tới 80% mức tăng trưởng nhu cầu về trung tâm dữ liệu trên toàn cầu vào năm 2030. Nhu cầu này được dự đoán sẽ chủ yếu đến từ việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

 
Bà Cozzi giải thích rằng kịch bản "khó khăn" được nêu trong báo cáo phản ánh đúng tình hình hiện tại: kinh tế tăng trưởng chậm, hàng rào thuế quan mọc lên ở nhiều nước. Chính vì vậy, trong bối cảnh này, lĩnh vực AI sẽ khó phát triển nhanh như dự đoán mà IEA đưa ra trong kịch bản cơ sở.

Dữ liệu của IEA cho thấy mức tiêu thụ điện toàn cầu từ các trung tâm dữ liệu được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 945 terawatt giờ (TWh) vào năm 2030 trong kịch bản cơ sở của IEA, nhưng kịch bản "khó khăn" sẽ chứng kiến con số này giảm xuống 670 TWh.

Theo dữ liệu của IEA, tại Mỹ, các trung tâm dữ liệu được dự đoán sẽ chiếm gần một nửa mức tăng trưởng nhu cầu điện từ nay đến năm 2030, và nước này được dự báo sẽ dẫn đầu sự phát triển trung tâm dữ liệu trên toàn cầu.

Các công ty điện lực Mỹ đang phải đối mặt với lượng lớn yêu cầu tăng công suất, vượt quá cả nhu cầu cao điểm và khả năng cung cấp điện hiện tại. Điều này dấy lên lo ngại rằng các công ty công nghệ đang liên hệ với nhiều nhà cung cấp điện khác nhau, khiến dự báo nhu cầu bị thổi phồng lên so với thực tế.

Bà Cozzi cho biết báo cáo này nhằm mục đích hợp tác với các công ty công nghệ và ngành công nghiệp để để nắm rõ nhu cầu thực tế về trung tâm dữ liệu, một yếu tố then chốt để đảm bảo cung cấp đủ điện cho AI.

Báo cáo của IEA cũng lưu ý rằng áp lực lên lưới điện có thể dẫn đến việc trì hoãn dự án, với khoảng 20% các dự án trung tâm dữ liệu đang gặp rủi ro. Nhu cầu cao đối với đường dây truyền tải, thiết bị phát điện và lưới điện quan trọng đã phản ánh rủi ro này. Ngoài ra, khoảng 50% số trung tâm dữ liệu đang được phát triển ở Mỹ nằm trong các cụm lớn đã có từ trước, nên có nguy cơ gây ra tình trạng quá tải cục bộ.

Từ cuối năm 2022, những trợ lý AI như ChatGPT (của công ty OpenAI), Claude (của Anthropic) hay Gemini (của Google) đã thống lĩnh thị trường nhờ vào các khoản đầu tư khổng lồ vào đội ngũ kỹ sư, trung tâm dữ liệu và chip AI tiên tiến. Nhưng DeepSeek đã bất ngờ bước vào cuộc đua với mô hình R1 đột phá với chi phí phát triển chỉ vỏn vẹn 6 triệu USD - một con số gây sốc so với hàng tỷ USD của các đối thủ.

Dù nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ chi phí thực sự của DeepSeek, nhưng sự xuất hiện của mô hình này vẫn làm dấy lên những tranh luận: Liệu AI có đang trở thành một hàng hóa phổ thông, thay vì một công nghệ cao cấp chỉ dành cho các tập đoàn khổng lồ?

Chuyên gia phân tích Angelo Zino thuộc công ty nghiên cứu CFRA nhận định: “Các công ty tiên phong trong lĩnh vực này luôn phải chi tiêu rất nhiều để đi đầu. Nhưng những ‘tân binh’ sau đó có thể làm điều tương tự với chi phí rẻ hơn và nhanh hơn”.

Tại hội nghị HumanX AI diễn ra gần đây ở Las Vegas (Mỹ), ông Thomas Wolf – nhà đồng sáng lập công ty Hugging Face (chuyên phát triển các công cụ tính toán để xây dựng những ứng dụng sử dụng máy học) - cho rằng chi phí phát triển AI ngày càng giảm, và quan trọng hơn, người dùng cũng không còn quá quan tâm đến việc họ đang sử dụng mô hình nào.

Ông Wolf nhận xét: “Chúng ta đang bước vào một thế giới đa mô hình và đó là điều tốt”. Ông đồng thời chỉ ra phản ứng khá bình lặng của thị trường đối với phiên bản ChatGPT mới nhất.

Nhưng OpenAI không dễ dàng chấp nhận quan điểm này. Ông Kevin Weil - Giám đốc sản phẩm của OpenAI - khẳng định rằng không phải tất cả mô hình AI đều như nhau. Ông tuyên bố: "Chúng tôi có thể không còn dẫn trước 12 tháng như trước đây, nhưng lợi thế 3-6 tháng vẫn rất giá trị". Với hơn 400 triệu người dùng, OpenAI có lợi thế thu thập lượng dữ liệu khổng lồ để cải thiện liên tục các mô hình của mình.

Ông Fen Zhao - Giám đốc nghiên cứu tại Alpha Edison, so sánh OpenAI với Google, khi cả hai đều đã trở thành cái tên quá quen thuộc trong tâm trí người dùng.

Cải tiến trong công nghệ chip và tối ưu hóa thuật toán đã giúp giảm chi phí phát triển AI, nhưng cuộc đua này vẫn đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Các mô hình mã nguồn mở đang thúc đẩy đổi mới nhanh hơn, nhưng những công ty theo mô hình đóng như OpenAI và Anthropic lại đang đối mặt với áp lực tài chính khổng lồ.

Mới đây, tập đoàn đầu tư SoftBank của Nhật Bản đã rót 40 tỷ USD vào OpenAI, nâng định giá của công ty lên 300 tỷ USD, gần gấp đôi so với năm ngoái. Nhưng với tốc độ “đốt tiền” lên tới 1 tỷ USD mỗi tháng, OpenAI vẫn phải liên tục huy động vốn.

Trong khi đó, Anthropic cũng không chịu thua kém khi vừa huy động 3,5 tỷ USD trong tháng 3/2025, đạt mức định giá 61,5 tỷ USD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục