IEA: Mục tiêu giảm phát thải xuống 0 vào năm 2050 có thể chỉ là "giấc mơ”

11:45' - 25/06/2021
BNEWS Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cảnh báo mục tiêu giảm phát thải xuống 0 vào năm 2050 sẽ chỉ là “một giấc mơ” nếu mô hình tiêu thụ năng lượng toàn cầu không thay đổi.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và quan chức phụ trách lĩnh vực năng lượng cho rằng trong khi các công ty năng lượng đang chịu sức ép đẩy nhanh các biện pháp giảm phát thải, các chính phủ hầu như chưa hành động quyết liệt để giảm nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch, vốn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ấm nóng toàn cầu.

Dân số ngày càng tăng ở châu Á và chủ nghĩa tiêu dùng gia tăng ở các quốc gia công nghiệp phát triển khiến hầu hết các mục tiêu chống biến đổi khí hậu rất khó đạt được, thậm chí là không thể đạt được.

Trong tháng này, các cử tri Thụy Sỹ đã bác bỏ các đề xuất về môi trường của chính phủ nhằm giúp nước này cắt giảm lượng khí thải carbon, với các biện pháp tăng phụ phí nhiên liệu ô tô và áp thuế đối với vé máy bay.

Tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã thúc giục các nước trên thế giới không phát triển các mỏ dầu và khí đốt mới để đạt được mục tiêu giảm lượng phát thải xuống 0 vào năm 2050. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol tuần này cảnh báo mục tiêu giảm phát thải sẽ chỉ là “một giấc mơ” nếu mô hình tiêu thụ năng lượng toàn cầu không thay đổi.

Ông Birol nhấn mạnh có một khoảng cách ngày càng lớn giữa những cam kết bằng lời nói và những gì đang diễn ra trong cuộc sống thực. Nhiều chính phủ đang tiến tới mục tiêu đưa lượng phát thải xuống 0 vào năm 2050 trong khi lượng khí thải CO2 trong cùng năm dự kiến sẽ ghi dấu mức tăng lớn thứ hai trong lịch sử.

Theo ông Birol, các chính phủ cần có biện pháp để thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Lượng phát thải đang tăng mạnh trong năm 2021 sau khi giảm mạnh trong năm 2020 do các đợt đóng cửa toàn cầu để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhiều lần cho rằng các quốc gia đang phát triển lãng phí hàng trăm tỷ USD cho các chương trình trợ cấp dầu diesel và xăng giá rẻ cho người nghèo. Ngay cả tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ 25% lượng xăng toàn thế giới và giá xăng chỉ bằng một nửa tại Anh do thuế thấp, chính phủ của Tổng thống Joe Biden cũng không đưa ra tín hiệu nào sẽ việc thay đổi thực tế này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục