ILO cảnh báo tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 đến việc làm

08:48' - 30/10/2021
BNEWS Tác động của đại dịch COVID-19 đối với việc làm ngày một trầm trọng hơn so với dự đoán trước đây và sự phục hồi không đồng đều đáng lo ngại đang lộ rõ giữa các nước giàu và nghèo.

Trong báo cáo, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo số giờ làm việc trên toàn cầu vào năm nay sẽ giảm 4,3% so với mức được ghi nhận trong quý IV/2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Con số này tương đương với 125 triệu công việc toàn thời gian. Trước đó, hồi tháng 6, ILO đã dự báo mức giảm 3,5%, tương đương 100 triệu việc làm toàn thời gian.

Theo tính toán của ILO, các quốc gia có thu nhập cao ghi nhận mức giảm 3,6% tổng số giờ làm việc trong quý III năm nay.

Con số này khả quan hơn nhiều so với mức giảm 5,7% ở các nước thu nhập thấp và 7,3% ở các nước thu nhập trung bình thấp hơn.

Xét theo khu vực, châu Âu và Trung Á có tỷ lệ mất giờ làm thấp nhất trong khi các quốc gia Arab lại chịu tổn thất lớn nhất, một phần do sự khác biệt trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 và các gói kích thích tài chính.

Theo ILO, tính đến đầu tháng này, đã có 59,8% người dân đã được tiêm chủng đủ liều ở các nước thu nhập cao, trong khi con số này ở các nước thu nhập thấp chỉ 1,6%.

Ước tính cứ 14 người được tiêm chủng đủ liều trong quý II năm nay đồng nghĩa với một công việc tương đương toàn thời gian đã được bổ sung vào thị trường lao động toàn cầu.

ILO cũng nhận thấy rằng những người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ trẻ, là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do những tác động về việc làm mà dịch COVID-19 gây ra.

Trao đổi với báo giới, Giám đốc ILO Guy Ryder nhận định “quỹ đạo hiện tại của thị trường lao động là sự phục hồi bị đình trệ”, với những nguy cơ đe dọa tăng trưởng và sự khác biệt lớn giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Điều đáng chú ý là năng lực phân phối vaccine ngừa COVID-19 và tài chính không đồng đều giữa các nước đang thúc đẩy xu hướng này; cả hai vấn đề này đòi hỏi phải được giải quyết khẩn cấp.

Ông cũng bày tỏ kém lạc quan về triển vọng việc làm dường như “yếu ớt và bất ổn” của quý IV năm nay khi thế giới phải đối măt với những nguy cơ lớn liên quan tới giá năng lượng, gánh nặng nợ và lạm phát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục