IMF: Các nhà hoạch định chính sách cần hỗ trợ các gia đình dễ bị tổn thương

08:40' - 09/04/2021
BNEWS Theo Tổng giám đốc IMF, các nhà hoạch định chính sách cần hỗ trợ các gia đình dễ bị tổn thương và các doanh nghiệp có khả năng tồn tại trong cuộc khủng hoảng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 8/4 đã hối thúc các nhà hoạch định chính sách có sự hỗ trợ linh hoạt nhằm đáp ứng các đòi hỏi của các lĩnh vực và các nền kinh tế, từ đó thúc đẩy sự phục hồi đồng đều và bao trùm của kinh tế toàn cầu.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến trong khuôn khổ các Hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới, Tổng giám đốc IMF, Kristalina Georgieva, cho rằng đã có ánh sáng cuối đường hầm.

Sau cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai, nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục. Tuy nhiên, bà cho rằng cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục để lại những khoảng tối.
Theo bà Georgieva, tình hình của các nền kinh tế đang phân kỳ một cách nguy hiểm. Một số ít các nền kinh tế, dẫn đầu là Mỹ và Trung Quốc, đang mạnh hơn, trong khi các nền kinh tế nghèo hơn đang tụt lại phía sau trong quá trình phục hồi nhiều tốc độ này.

Bà cho rằng thế giới đang đối mặt với tình trạng rất không chắc chắn, đặc biệt là về tác động của các chủng mới của virus SARS-COV2 và những biến chuyển tiềm ẩn của các điều kiện tài chính, trong khi có nguy cơ về những "vết sẹo" kinh tế.
Để tất cả mọi người đều có cơ hội trong quá trình phục hồi kinh tế, bà Georgieva cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần hỗ trợ các gia đình dễ bị tổn thương và các doanh nghiệp có khả năng tồn tại trong cuộc khủng hoảng, thực hiện các biện pháp tài khóa có mục tiêu và duy trì các điều kiện tài chính thuận lợi.
Đồng tình với bà Georgieva, Giám đốc phụ trách các vấn đề tài chính của IMF, Vitor Gaspar, cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên có các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu hơn.
Theo ông Vitor Gaspar, đại dịch đã gây ra tác động tiêu cực đến người nghèo, giới trẻ, phụ nữ, các sắc tộc thiểu số và người lao động làm các công việc có mức lương thấp và lĩnh vực không chính thức.
Ông Gaspar cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo rằng bảo trợ xã hội luôn sẵn sàng và chi tiêu bền vững trong giai đoạn khủng hoảng thông qua việc mở rộng mạng lưới an toàn xã hội theo cách tiết kiệm chí phí./.

>>IMF muốn cấp tín dụng cho cả các nước thu nhập trung bình


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục