IMF ủng hộ tăng thuế với tập đoàn lớn “ăn nên làm ra” thời COVID-19

10:23' - 08/04/2021
BNEWS Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Mỹ đã tiếp sức cho phong trào nâng thuế đối với các tập đoàn lớn “ăn nên làm ra” trong thời kỳ dịch COVID-19 để tài trợ cho những nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Sự ủng hộ đối với việc thay đổi thuế này diễn ra trong bối cảnh các bộ trưởng tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cho biết sẽ tiếp tục những nỗ lực nhằm thiết lập một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu để ngăn chặn việc lợi dụng các thiên đường thuế.

Một thỏa thuận về vấn đề này có thể sẽ được đưa ra vào tháng Bảy. Trong thông cáo báo chí đưa ra sau cuộc họp trực tuyến ngày 7/4, G20 cũng "thừa nhận vai trò quan trọng của thương mại mở và dựa trên các quy định công bằng trong việc phục hồi tăng trưởng và tạo việc làm", đồng thời tái cam kết sẽ chiến đầu chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

IMF ủng hộ ý tưởng về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu và cũng cho rằng thuế cao hơn đối với các tập đoàn và cá nhân giàu có, kể cả chỉ là tạm thời, cũng có thể góp phần tài trợ cho những chính sách cần thiết để đảm bảo sự phục hồi sau đại dịch.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tuần trước đã công bố kế hoạch nâng thuế doanh nghiệp để trang trải cho chương trình việc làm và đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ trị giá 2.000 tỷ USD.

IMF cho biết tiền thuế gia tăng có thể được dùng cho các biện pháp hỗ trợ các nền kinh tế quốc gia, nhằm đẩy nhanh các chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 và chấm dứt dịch bệnh. Điều này sẽ đem lại nhiều hiệu quả và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhiều chuyên gia ước tính rằng việc kiểm soát được dịch bệnh sớm hơn dự đoán, hay các nước có thể tiếp cận đủ vaccine từ nay đến đầu năm 2022, sẽ giúp kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn và các nền kinh tế phát triển sẽ thu được hơn 1.000 tỷ USD doanh thu thuế tích lũy đến năm 2025.

Trong dự báo mới nhất được công bố tại kỳ họp mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới, IMF đã lạc quan hơn về tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, với mức tăng dự báo 6%, sau khi kinh tế thế giới sụt giảm 3,3% trong năm 2020, mức giảm tồi tệ nhất trong thời bình suốt thế kỷ qua.

IMF cho rằng biện pháp ứng phó nhanh chóng của chính phủ các nước với tổng trị giá lên đến 16.000 tỷ USD đã góp phần ngăn chặn phần nào thiệt hại kinh tế từ dịch bệnh.

Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo việc chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế này vẫn là yếu tố quan trọng để có được sự phục hồi vững chắc, và việc phân phối vaccine cho các nước nghèo vẫn đang diễn ra một cách thiếu bình đẳng nghiêm trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục