IMF cảnh báo kinh tế Liban

10:42' - 24/05/2024
BNEWS Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 23/5 đánh giá các cải cách kinh tế của Liban không đủ để giúp quốc gia Trung Đông này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Ông Ernesto Ramirez Rigo, Trưởng phái đoàn IMF đang thăm và làm việc tại Liban, nhận xét cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra ở Liban, tình hình bất ổn ở biên giới phía Nam Liban cũng như tác động tiêu cực từ cuộc xung đột ở Dải Gaza đang làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế vốn đã tồi tệ của Liban.

Tình hình bất ổn ở biên giới phía Nam Liban kể từ khi xung đột ở Gaza bắt đầu nổ ra vào tháng 10/2023. Ông Rigo cho rằng: "Xung đột đã khiến nhiều người dân phải di dời và gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng, ngành nông nghiệp và hoạt động thương mại ở miền Nam Liban. Cùng với sự sụt giảm lượng khách du lịch quốc tế, những rủi ro liên quan đến xung đột đang gây bất ổn đáng kể cho triển vọng kinh tế của Liban".

 
Theo ông Rigo, những cải cách tài chính và tiền tệ do Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Liban thực hiện, bao gồm các bước nhằm thống nhất mức tỷ giá hối đoái cho đồng bảng Liban và kiềm chế sự sụt giảm của đồng nội tệ, đã giúp giảm áp lực lạm phát. Tuy nhiên, quan chức IMF cho rằng Liban cần phải làm nhiều hơn nếu nước này muốn xoa dịu cuộc khủng hoảng tài chính.

Ông Rigo nói thêm: "Các biện pháp chính sách của Liban chưa đáp ứng được những yêu cầu cần thiết để hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế sau khủng hoảng. Tiền gửi ngân hàng vẫn bị đóng băng và ngành ngân hàng của nước này không thể cung cấp nguồn tín dụng cho nền kinh tế, do Chính phủ và Quốc hội Liban hiện chưa thể tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay". Theo ông, việc giải quyết tình trạng thua lỗ của các ngân hàng, bảo vệ lợi ích của người gửi tiền ở mức tối đa có thể cũng như hạn chế sử dụng các nguồn lực công khan hiếm là điều không thể thiếu để đặt nền móng cho đà phục hồi kinh tế.

Kể từ khi nền kinh tế Liban bắt đầu rơi vào khủng hoảng năm 2019, đồng nội tệ của nước này đã mất khoảng 95% giá trị, trong khi người gửi tiền không thể rút tiền gửi tiết kiệm của họ tại các ngân hàng. Bên cạnh đó, hơn 80% dân số của Liban hiện sống dưới mức nghèo khổ. Liban ngày càng chìm sâu hơn trong khủng hoảng kinh tế-tài chính sau nhiều thập kỷ chi tiêu hoang phí, cùng với vấn nạn tham nhũng. Chính phủ Liban ước tính khủng hoảng kinh tế-tài chính đã gây thiệt hại hơn 70 tỷ USD cho hệ thống tài chính của nước này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục