IMF điều chỉnh dự báo kinh tế toàn cầu

07:01' - 07/10/2020
BNEWS Hồi tháng Sáu, IMF dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ suy giảm gần 5%, nhưng kết quả của quý II và quý III/2020 dự kiến sẽ lạc quan hơn.

Trong bài phát biểu trước thềm cuộc họp mùa Thu giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến tổ chức vào tuần tới, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết cuộc suy thoái toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ không tồi tệ như lo ngại ban đầu. Nhưng bà cũng cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc.

Người đứng đầu IMF cho hay “bức tranh” kinh tế toàn cầu hiện tỏ ra ít u ám hơn so với dự kiến trước đó. Điều này cho phép IMF và WB điều chỉnh dự báo kinh tế toàn cầu cho năm 2020 tăng thêm một chút. Dự kiến tại cuộc họp vào tuần tới, IMF sẽ trình bày các bản cập nhật dự báo của mình.

Hồi tháng Sáu, IMF dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ suy giảm gần 5%, nhưng kết quả của quý II và quý III/2020 dự kiến sẽ lạc quan hơn.

Bà Georgieva ghi nhận các chính phủ đã tiến hành những biện pháp chính sách quyết liệt, giúp củng cố nền tảng cho nền kinh tế thế giới. Hiện tổng giá trị các biện pháp hỗ trợ tài chính trên toàn cầu đã lên tới 12.000 tỷ USD cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bà Georgieva cho rằng các chính phủ không nên rút lại các biện pháp hỗ trợ quá sớm, vì triển vọng kinh tế năm tới vẫn còn nhiều bất ổn và rủi ro. Tổng Giám đốc IMF cảnh báo cuộc khủng hoảng COVID-19 còn lâu mới kết thúc.

Tại Mỹ và châu Âu, mặc dù cuộc suy thoái kinh tế là "khá đau đớn", song chúng không tồi tệ như các nhà kinh tế lo ngại thời gian đầu. Trong khi đó, Trung Quốc đang chứng kiến "một sự phục hồi nhanh hơn mong đợi."

Song tin tức ở những nơi khác là xấu. Bà Georgieva nhấn mạnh ở các nước thu nhập thấp, cú sốc từ COVID-19 sâu sắc đến mức những nước này phải đối mặt với nguy cơ có một “thế hệ mất mát”. Khủng hoảng COVID-19 cũng có nguy cơ để lại những vết sẹo kinh tế nghiêm trọng cho các quốc gia này do tình trạng mất việc làm, phá sản và gián đoạn hoạt động giáo dục.

Theo IMF, các quốc gia có thu nhập thấp không có đủ nguồn lực tài chính để hỗ trợ thị trường việc làm và doanh nghiệp, đồng thời cũng sẽ cần trợ giúp để giải quyết gánh nặng nợ nần của họ, bao gồm thông qua nhiều khoản trợ cấp và cơ cấu lại nợ.

Do vậy bà Georgieva kêu gọi các chính phủ tiếp tục hỗ trợ người lao động, đồng thời chi tiêu để tạo ra một hệ thống kinh tế tốt hơn, công bằng hơn.

Song bà nhấn mạnh các nước không thể chỉ đơn giản là xây dựng lại nền kinh tế cũ, với tốc độ tăng trưởng thấp, năng suất thấp, bất bình đẳng cao và khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng. Thay vào đó, người đứng đầu IMF cho rằng các nước cần chi tiêu nhiều hơn cho các dự án “xanh” có thể tạo ra nhiều việc làm hơn./.

>>Mỹ: Thâm hụt thương mại tháng 8 cao nhất trong 14 năm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục