IMF: GCC sẽ có thêm 1.400 tỷ USD trong 5 năm tới nhờ giá dầu cao

10:34' - 29/05/2022
BNEWS Theo IMF, các nền kinh tế vùng Vịnh (GCC) sẽ có thêm nguồn thu 1.400 tỷ USD trong vòng 4-5 năm tới, trong bối cảnh giá dầu sẽ duy trì ở mức cao và lạm phát vẫn ở mức thấp tại các nước thành viên.

Theo truyền thông Trung Đông, phát biểu tại một hội nghị trực tuyến mới đây, ông Jihad Azour, Giám đốc khu vực Trung Đông và Trung Á của IMF nói: "Chúng tôi dự báo trong 4-5 năm tới, giá dầu sẽ tăng 55% so với năm ngoái, và điều này sẽ cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước GCC".

Ông Azour cho biết, các nước xuất khẩu dầu mỏ trong GCC sẽ có thêm nguồn doanh thu từ 1.000-1.400 tỷ USD trong 4-5 năm tới nhờ giá dầu cao. Các quốc gia này hiện đang đối mặt với các thách thức về chính sách cũng như những khó khăn về kinh tế, nhưng họ sẽ được hưởng lợi nhờ lạm phát duy trì ở mức thấp.

 

Thế giới đang đối mặt với một "siêu chu kỳ hàng hóa", do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế thế giới, làm suy yếu hoạt động thương mại toàn cầu và làm gia tăng áp lực lạm phát.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, nước xuất khẩu năng lượng lớn thứ hai thế giới, đã ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng toàn cầu. Sau khi ghi nhận mức tăng 67% trong năm 2021, giá dầu đã vọt lên sát mức 140 USD/thùng vào tháng 3/2022 trước khi để tuột khỏi mức cao này.

Theo dự báo của IMF, giá dầu sẽ duy trì ở mức 107 USD/thùng trong năm 2022, tăng 43% so với mức dự báo được định chế tài chính đa phương toàn cầu này đưa ra hồi tháng 10/2021.

Tuy nhiên, ngân hàng Emirates NBD của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 120 USD/thùng trong năm 2022. Mức giá này sẽ mang lại nguồn thu to lớn cho các nước xuất khẩu dầu mỏ.

IMF cho rằng ngoài GCC, các nước xuất khẩu dầu khác ở Trung Đông và Bắc Phi cũng đang được hưởng lợi từ giá hydrocacbon cao. Triển vọng tăng trưởng năm 2022 của các nước này sẽ cải thiện hơn khi họ gia tăng sản lượng khai thác.

Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế trong khu vực đang phải đối mặt với lạm phát leo thang do hóa đơn nhập khẩu các hàng hóa cơ bản tăng vọt. Theo IMF, việc hoạch định chính sách sẽ gặp nhiều thách thức và những người ra quyết định cần phải nỗ lực thúc đẩy cải cách cơ cấu, đặc biệt tại các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ, nhằm ổn định kinh tế và tài khóa trong dài hạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục