IMF hối thúc Nhật Bản thu hẹp gói hỗ trợ khẩn cấp COVID-19

15:06' - 28/01/2022
BNEWS IMF đã hối thúc Nhật Bản thu hẹp quy mô gói hỗ trợ khẩn cấp cho đại dịch COVID-19 và xem xét tăng thuế đối với tài sản và thu nhập từ đầu tư vốn.

Ngày 28/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hối thúc Nhật Bản thu hẹp quy mô gói hỗ trợ khẩn cấp cho đại dịch COVID-19 và xem xét tăng thuế đối với tài sản và thu nhập từ đầu tư vốn, giữa bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang trên đà phục hồi và thoát khỏi tình trạng ảm đạm do đại dịch COVID-19 gây ra.

IMF cho biết, mặc dù các nhà chức trách Nhật Bản phải tiếp tục hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng COVID-19, song họ nên tiếp tục thu nhỏ các biện pháp cứu trợ đại dịch khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi.

IMF cho biết: “Trong tương lai, với sự bất ổn xung quanh đại dịch, chính sách tài khóa của Nhật Bản cần nhanh nhẹn và linh hoạt, điều chỉnh quy mô và chương trình hỗ trợ một cách hợp lý để đáp ứng với các diễn biến kinh tế và dịch tễ”.

 

Theo IMF, sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản có thể sẽ được củng cố trong năm nay, mặc dù cán cân rủi ro đang nghiêng về phía giảm. Khi sự phục hồi đi vào ổn định, Nhật Bản phải tiếp tục nỗ lực để kiềm chế khoản nợ công “khổng lồ” của mình, có thể bằng cách cắt giảm chi phí y tế đang tăng lên đối với dân số già hóa nhanh chóng.

IMF cho biết việc tăng thuế tiêu dùng từ 10% hiện nay, cũng như tăng thuế tài sản và thu nhập từ đầu tư vốn cũng có thể là một trong những lựa chọn. IMF nêu rõ, doanh thu từ thuế của Nhật Bản tính theo phần trăm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là thấp so với các nước thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), cho thấy dư địa để nước này bổ sung nguồn thu ngân sách trong thời gian tới.

Về chính sách tiền tệ, IMF kêu gọi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn và sẵn sàng cắt giảm lãi suất nếu lạm phát vẫn yếu.

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới cập nhật, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản sẽ đạt mức 3,3% trong năm nay, từ mức tăng trưởng 1,6% của năm 2021, nhờ sự thúc đẩy các biện pháp kích thích của chính phủ và việc cải thiện tình trạng tắc nghẽn nguồn cung ứng toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục