IMF kêu gọi các nước duy trì hỗ trợ tài chính bất chấp nợ công cao kỷ lục

10:59' - 29/01/2021
BNEWS Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết gánh nặng nợ công toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2020.

Ngày 28/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết gánh nặng nợ công toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2020, song cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục hỗ trợ để vực dậy các nền kinh tế và tài trợ cho chương trình tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19.

Theo báo cáo cập nhật giám sát tài chính, IMF cho biết năm 2020 các chính phủ "rót" gần 14.000 tỷ USD hỗ trợ tài chính để phòng chống đại dịch COVID-19, tăng khoảng 2.200 tỷ USD kể từ tháng 10/2020.

Theo đó, tổng nợ công toàn cầu tương đương 98% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức cao nhất từ trước đến nay và cao hơn so với mức 84% GDP năm 2019.

Báo cáo mới nhất của IMF dự báo tổng nợ công toàn cầu năm 2021 sẽ tương đương 99,5% GDP thế giới.

Tổng nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2021 dự kiến lên tới 109%, trong khi nợ của các nền kinh tế phát triển dự kiến tăng lên 124,9% GDP.

IMF cũng dự báo thâm hụt tài chính toàn cầu năm 2021 sẽ ở mức 8,5%, các nước G20 ở mức 9,4% và các nền kinh tế phát triển ở mức 8,8% .

Dù lo ngại về nợ công gia tăng, IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục hỗ trợ kinh tế cho đến khi kiểm soát được đại dịch, trong đó đặc biệt chú trọng vào các khoản đầu tư “xanh” và các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh.

IMF nhấn mạnh: “Các chính phủ cần giành chiến thắng trong cuộc đua tiêm chủng phòng ngừa bệnh, phản ứng linh hoạt với tình hình kinh tế dễ biến động và tạo tiền đề cho sự phục hồi xanh hơn, cân bằng và bền vững hơn”.

Cùng ngày 28/1, Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn đến cuối năm nay việc nới lỏng các quy định về trợ cấp nhà nước, theo đó cho phép chính phủ các nước thành viên hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ bãi bỏ các quy định về trợ cấp nhà nước cho đến ngày 31/12, theo đó kéo dài thêm 6 tháng thời hạn bãi bỏ các quy định này.

EC cũng quyết định tiếp tục tăng mức trần đối với các khoản vay và trợ cấp cho các doanh nghiệp, đồng thời cho phép các khoản vay khẩn cấp chuyển thành các khoản trợ cấp.

EU đưa ra các quyết định trên trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành và kinh tế châu Âu được dự báo chưa thể phục hồi trong năm nay.

Theo EU, trong thời gian khủng hoảng, nếu một công ty bị giảm doanh thu nghiêm trọng, trợ cấp nhà nước có thể đóng góp tối đa 10 triệu euro vào các chi phí cố định của công ty, cao hơn mức 3 triệu euro theo quy định trước đây.

Trong điều kiện kinh tế bình thường, EU hạn chế trợ cấp nhà nước để đảm bảo cạnh tranh công bằng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục