Mỹ: Nợ công sẽ tăng gần gấp đôi GDP vào năm 2050

13:32' - 22/09/2020
BNEWS Nợ công của Mỹ sẽ tăng mạnh lên mức khoảng 195% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2050 nếu không có những thay đổi về luật thuế và chi tiêu.

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ phủ bóng đen lên triển vọng tài chính dài hạn của Mỹ trong nhiều thập kỷ tới khi Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo nợ công có thể tăng gần gấp đôi quy mô kinh tế vào năm 2050.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong báo cáo Triển vọng Ngân sách dài hạn hàng năm, CBO cho biết nếu không có những thay đổi về luật thuế và chi tiêu, nợ công của Mỹ sẽ tăng mạnh lên mức khoảng 195% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2050. Theo CBO, triển vọng kinh tế đi xuống so với 1 năm trước, khi cơ quan này dự báo nợ công sẽ ở mức 144% GDP vào năm 2049.

CBO dự báo nợ công sẽ tăng mạnh lên mức 98% GDP vào cuối năm 2020 từ mức 79% vào năm 2019 và 35% vào năm 2007 trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

CBO cho biết việc tăng chi tiêu của chính phủ liên bang liên quan đến đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh sự gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ của quốc gia này. Theo CBO, mức thâm hụt năm 2020 được dự đoán ở mức 16% GDP - cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới II.

Mặc dù tỷ lệ này sẽ giảm trong vài năm, nhưng sẽ bắt đầu tăng mạnh trở lại vào năm 2028. Đến năm 2050, mức thâm hụt hàng năm được dự báo chiếm 12,6% GDP do chi phí lãi vay cao hơn và chi tiêu cao hơn cho các chương trình chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội.

Trước viễn cảnh kinh tế không mấy tươi sáng, người đứng đầu chi nhánh FED tại thành phố Dallas, Robert Kaplan cùng ngày cho rằng chính sách lãi suất gần bằng 0 như hiện nay có thể sẽ cần thiết để duy trì trong 2 đến 3 năm tới.

Ông Kaplan cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống còn 4% hoặc 3,5% vào năm 2023, từ mức 8,4% hiện tại. Theo quan chức này, nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng với tốc độ 30% trên cơ sở hàng năm trong quý III và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2021 khi tiếp tục khắc phục những tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.

Trong thông báo được đưa ra ngày 16/9 sau cuộc họp chính sách, FED thông báo duy trì lãi suất ở mức 0 đến 0,25% như hiện nay, đồng thời cam kết duy trì phạm vi mục tiêu này cho đến khi điều kiện thị trường lao động được cải thiện để đạt được việc làm tối đa và lạm phát ở mức mong muốn.

Tại cuộc họp này, ông Kaplan là một trong 2 quan chức bỏ phiếu phản đối cam kết trên của FED, nhấn mạnh rằng ông muốn duy trì "sự linh hoạt hơn" về chính sách lãi suất cũng như không đồng tình về việc chờ đợi tăng lãi suất cho đến khi lạm phát lõi đạt mức 2%.

Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu người Mỹ mất việc và GDP giảm xuống mức kỷ lục trong quý II vừa qua khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.

Theo kế hoạch, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell sẽ có phiên điều trần kéo dài 3 ngày trước các ủy ban Hạ viện và Thượng viện Mỹ, bắt đầu từ ngày 22/9, về cách ứng phó trước cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra.

Mặc dù một số lĩnh vực của nền kinh tế đầu tàu thế giới, như doanh thu bán lẻ và nhà đất, đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, song số ca mắc COVID-19 vẫn gia tăng và Quốc hội đang bế tắc về một gói chi tiêu bổ sung nhằm hỗ trợ sự phục hồi.

Theo một bản dự thảo mà ông Powell sẽ phát biểu trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Mỹ, người đứng đầu FED sẽ nói rằng nền kinh tế Mỹ sẽ chỉ hoàn toàn phục hồi sau đợt suy thoái do COVID-19 nếu người dân cảm thấy an toàn khi nối lại hoạt động bình thường.

Con đường phía trước sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát virus SARS-CoV-2 và các hành động chính sách được thực hiện ở tất cả các cấp chính quyền.

Ông Powell đã nhiều lần kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế, song các cuộc đàm phán giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa về một dự luật kích thích mới để thúc đẩy tốc độ phục hồi và hỗ trợ hàng triệu người Mỹ đang gặp khó khăn vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển.

Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES) nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đã hết hạn và cần thêm một gói cứu trợ mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng nền kinh tế đang tự phục hồi "mạnh mẽ" và có thể không cần thêm gói kích thích mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục