IMF khuyến nghị với nền kinh tế quá phụ thuộc vào xuất khẩu dầu

09:45' - 18/05/2025
BNEWS IMF khuyến nghị Iraq - nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong OPEC có thể kiềm chế thâm hụt tài chính bằng cách huy động nguồn thu thuế từ các hoạt động kinh tế phi dầu mỏ và kiểm soát quỹ lương công.
Trong báo cáo công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng môi trường toàn cầu cực kỳ bất ổn, sự suy giảm của giá dầu và các áp lực tài chính nghiêm trọng đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế của Iraq, làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương của quốc gia Trung Đông này.

 
IMF kêu gọi chính Iraq thúc đẩy các biện pháp khẩn cấp để duy trì sự ổn định tài chính và hoạt động xuất khẩu. Báo cáo của IMF đánh giá rằng tài khoản vãng lai của Iraq sẽ suy yếu đáng kể trong năm 2025, chủ yếu do doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ giảm sút.

Hoạt động xuất khẩu dầu suy yếu cũng có thể gây áp lực lên dự trữ ngoại hối của nước này. IMF khuyến nghị Iraq - quốc gia sản xuất dầu lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - có thể kiềm chế thâm hụt tài chính bằng cách huy động nguồn thu thuế từ các hoạt động kinh tế phi dầu mỏ và kiểm soát quỹ lương công.

Các sáng kiến khác mà Baghdad có thể thực hiện bao gồm hoàn tất tái cấu trúc các ngân hàng nhà nước, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân bằng cách cải cách thị trường lao động, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường quản trị và chống tham nhũng. Theo IMF, dựa trên những tiến bộ gần đây, Ngân hàng Trung ương Iraq nên tiếp tục hiện đại hóa hệ thống ngân hàng và hỗ trợ các ngân hàng tư nhân mở rộng mạng lưới hoạt động.

Iraq đã trải qua nhiều thập kỷ xung đột, cướp đi sinh mạnh của hàng triệu người. Nước này đã loại bỏ được mối đe dọa từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi hầu hết các khu vực của đất nước vào năm 2017 và khởi xướng một tiến trình chính trị để tái cấu trúc chính quyền và vạch ra kế hoạch phục hồi đất nước.

Theo IMF, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 13,8% vào năm 2023, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) phi dầu mỏ của Iraq đã giảm xuống 2,5% vào năm 2024 do đầu tư công và lĩnh vực dịch vụ tăng chậm lại, trong khi cán cân thương mại ngày càng yếu hơn. Các ngành nông nghiệp, chế tạo và xây dựng của Iraq vẫn khá kiên cường. Tuy nhiên, sản lượng dầu mỏ ngày càng giảm đã ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế Iraq, khiến GDP của nước này giảm 2,3% trong năm ngoái.

Dự trữ ngoại hối của Iraq vẫn khá dồi dào với 100,3 tỷ USSD ghi nhận vào cuối năm 2024, đủ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu trong hơn 12 tháng. Tuy nhiên, IMF cho rằng sự phụ thuộc quá mức của nước này vào doanh thu từ dầu mỏ đã trở nên tồi tệ hơn. Giá dầu cần phải tăng lên ngưỡng 84 USD/thùng ghi nhận trong năm 2024 so với mức quanh 63 USD/thùng như hiện tại, để đảm bảo Iraq có đủ nguồn lực tài chính để cần bằng ngân sách.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục