IMF: Nợ toàn cầu tăng mạnh nhất kể từ Thế chiến thứ hai

13:38' - 16/12/2021
BNEWS Các quan chức IMF cho biết, đại dịch COVID-19 khiến nợ công của các nước leo lên mức tương đương 256% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vào năm 2020, tăng 28 điểm phần trăm so với năm trước đó.

Báo cáo ngày 15/12 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, mức nợ toàn cầu đã tăng 28.000 tỷ USD, lên 226.000 tỷ USD vào năm 2020, mức tăng mạnh nhất trong một năm kể từ Thế chiến thứ hai và phần lớn tập trung ở các nước giàu hơn. Điều này sẽ gặp rủi ro nếu lãi suất toàn cầu tăng nhanh hơn dự kiến và tăng trưởng kinh tế chững lại.

Các quan chức IMF cho biết, đại dịch COVID-19 khiến nợ công của các nước leo lên mức tương đương 256% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vào năm 2020, tăng 28 điểm phần trăm so với năm trước đó. Đây là con số đủ cao để các quốc gia trên thế giới phải xem xét khi họ tìm cách hồi sinh nền kinh tế của mình khỏi cuộc suy thoái gây ra bởi đại dịch COVID-19, trong khi vẫn phải đối phó với các biến thể mới như Omicron.

Theo IMF, sự gia tăng mạnh mẽ của mức nợ toàn cầu chủ yếu là do nhu cầu bảo vệ cuộc sống của người dân, duy trì công ăn việc làm và tránh làn sóng phá sản. Các khoản vay của chính phủ chiếm hơn một nửa trong mức tăng 28.000 tỷ USD nói trên, song nợ tư nhân của các tập đoàn phi tài chính và nợ hộ gia đình cũng đạt mức cao mới.

Nợ công hiện đã đạt tỷ trọng cao nhất trong tổng nợ toàn cầu kể từ giữa những năm 1960. IMF cho rằng đây là do các phản ứng chính sách nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 vào năm 2020 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc chiếm tới 90% mức tăng nợ do lãi suất thấp. IMF cho biết, mức nợ của các nước đang phát triển tăng ít hơn, bị cản trở bởi chi phí đi vay cao hơn và khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế.

Giám đốc các vấn đề tài khóa Vitor Gaspar và các quan chức khác của IMF cho rằng, lãi suất cao hơn sẽ làm giảm tác động của việc tăng chi tiêu tài khóa và khiến mối lo ngại về tính bền vững của nợ gia tăng. Các quan chức IMF nhấn mạnh: "Rủi ro sẽ tăng lên nếu lãi suất toàn cầu tăng nhanh hơn dự kiến và tăng trưởng chững lại"./.

>>>Chính sách tài khóa thời COVID-19 và tác động tới nợ công

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục