Indonesia cảnh báo không đủ ngân sách để giải cứu nền kinh tế

13:01' - 08/01/2021
BNEWS Bộ Tài chính Indonesia nhấn mạnh rằng sự phục hồi kinh tế không nên chỉ phụ thuộc vào chi tiêu của chính phủ vì nguồn tiền này sẽ không đủ để bù đắp cho hoạt động kinh tế vốn đang chậm lại.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh rằng sự phục hồi kinh tế không nên chỉ phụ thuộc vào chi tiêu của chính phủ vì nguồn tiền này sẽ không đủ để bù đắp cho hoạt động kinh tế vốn đang chậm lại do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong bối cảnh thâm hụt ngân sách năm 2020 đạt mức cao kỷ lục.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 6/1, Bộ trưởng Sri Mulyani cho biết một khoản tiền lớn chưa từng thấy đã được đổ vào nền kinh tế Indonesia hồi năm ngoái để duy trì hoạt động kinh doanh và ứng phó với dịch bệnh, đồng thời cảnh báo rằng ngân sách nhà nước có giới hạn và không thể đơn độc giải cứu nền kinh tế.

Bà nêu rõ: “Chúng tôi nhận ra rằng việc phục hồi kinh tế không nên và sẽ không chỉ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước vì nó sẽ không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm hoạt động tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Chúng ta cần cải cách để thu hút đầu tư và tiêm chủng phòng COVID-19 hàng loạt để xây dựng niềm tin, từ đó đẩy nhanh tốc độ phục hồi tiêu dùng trong nước”.

Thâm hụt ngân sách năm 2020 của Indonesia đã tăng vọt lên mức kỷ lục 956.300 tỷ rupiah (69,07 tỷ USD) trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát buộc chính phủ nước này phải chi tiêu một lượng tiền khổng lồ, trong khi nguồn thu từ thuế giảm khi các hộ gia đình và doanh nghiệp phải vật lộn với tình trạng suy thoái kinh tế.

Theo bà Sri Mulyani, ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế, song chính quyền sẽ tìm cách duy trì sự lành mạnh của ngân sách trong tương lai. Vì vậy, kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách bất thường phải được chuẩn bị kỹ lưỡng vào năm 2021 và 2022.

Hồi năm ngoái, chính phủ Indonesia đã chi 2.580.000 tỷ rupiah, tương đương khoảng 94% mức mục tiêu của chính phủ nhằm tài trợ cho các dự án phát triển, ứng phó với dịch COVID-19 cũng như hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp, trong đó 579.800 tỷ rupiah, tương đương 83,4% ngân sách chương trình phục hồi kinh tế quốc gia trị giá 695.200 tỷ rupiah, đã được giải ngân.

Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước năm 2020 chỉ đạt 1.630.000 tỷ rupiah, giảm 16,7% so với năm 2019 và đạt khoảng 96% mức mục tiêu của chính phủ nước này.

Trong năm nay, thâm hụt ngân sách nhà nước của Indonesia dự kiến đạt 1.000.000 tỷ rupiah, tương đương 5,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giữa lúc chính phủ nước này đang chuẩn bị chi 2.750.000 tỷ rupiah để thúc đẩy nền kinh tế vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.

Nhà kinh tế David Sumual thuộc Ngân hàng BCA nhận định rằng mặc dù dịch COVID-19 đã làm xấu đi các điều kiện tài chính, nhưng tỷ lệ nợ trên GDP của Indonesia vẫn tương đối tốt hơn so với các nước mới nổi khác.

Mặc dù vậy, chính phủ nước này cần đảm bảo rằng chính sách tài khóa bất thường sẽ chỉ là tạm thời nhằm đảm bảo sự ổn định. Ông Sumual thừa nhận thâm hụt ngân sách lớn đã trở thành “tiêu chuẩn mới” trên thế giới và bức tranh tài khóa của Indonesia vẫn tương đối tốt hơn các nước khác.

Theo ông, việc ngăn chặn dịch COVID-19 và chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh thành công sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế lên mức thấp nhất là 4% trong năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục