Indonesia chi thêm 24,6 tỷ USD nhằm ứng phó với dịch COVID-19

14:29' - 01/04/2020
BNEWS Indonesia sẽ ban hành sắc luật nhằm tăng chi tiêu công thêm 405.100 tỷ rupiah (24,6 tỷ USD) và nâng giới hạn thâm hụt ngân sách lên tương đương 5,07% GDP nhằm ứng phó với dịch COVID-19.

Chính phủ Indonesia sẽ ban hành một sắc luật (Perppu) nhằm tăng chi tiêu công thêm 405.100 tỷ rupiah (24,6 tỷ USD) và nâng giới hạn thâm hụt ngân sách lên tương đương 5,07% GDP nhằm ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ngày 31/3, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) cho biết Perppu này sẽ là nền tảng để chính phủ và các cơ quan tài chính ngân hàng thực hiện các biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân, bảo vệ nền kinh tế quốc gia và sự ổn định của hệ thống tài chính.

Trong gói ngân sách bổ sung, chính phủ sẽ phân bổ 75.000 tỷ rupiah cho ngành y tế; 110.000 tỷ rupiah cho bảo trợ xã hội; 70.100 tỷ rupiah cho các ưu đãi thuế và tín dụng dành cho các doanh nghiệp; 150.000 tỷ rupiah cho các chương trình phục hồi kinh tế bao gồm tái cơ cấu tín dụng và tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Tổng thống Jokowi cho biết việc ban hành sắc luật nói trên là nhằm nâng thâm hụt ngân sách từ mức trần quy định 3% hiện nay lên 5,07% GDP trong giai đoạn 2020-2022.

Ngân sách năm 2020 của Indonesia ban đầu dự kiến chi 2,5 triệu tỷ rupiah với mức thâm hụt ngân sách 1,76% GDP, tương đương 307.200 tỷ rupiah.

Indonesia được đánh giá cao về việc tuân thủ kỷ luật tài chính khi chưa bao giờ vượt quá mức giới hạn thâm hụt ngân sách 3% GDP được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Động thái lịch sử này được đưa ra khi Indonesia tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng cùng với việc áp đặt các hạn chế xã hội quy mô lớn theo quy định của Luật Kiểm dịch Y tế.

Sắc luật hiện đang chờ Hạ viện thông qua. Trước đó, hôm 30/3, Chủ tịch Hạ viện Puan Maharani tuyên bố cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ, trong đó có việc ban hành Perppu nhằm cải thiện khả năng phục hồi tài chính.

Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm cải cách kinh tế Indonesia (CORE), Piter Abdullah, mô tả quyết định tăng chi tiêu và nâng giới hạn thâm hụt ngân sách là một “bước đi dũng cảm cần được đánh giá cao”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục