Indonesia cho phép xuất khẩu quặng thô trong giai đoạn dịch COVID-19

06:40' - 23/03/2021
BNEWS Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia (EMR) vừa cho phép các công ty khai mỏ xuất khẩu nguyên liệu thô trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia (EMR) vừa cho phép các công ty khai mỏ xuất khẩu nguyên liệu thô trong giai đoạn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mặc dù các dự án xây dựng nhà máy luyện kim của các cơ sở này chưa đáp ứng quy định.

Đây là nội dung được nêu trong Nghị định số 46/2021 của Bộ trưởng EMR ký ban hành ngày 12/3 vừa qua về cấp phép khai thác, theo đó các công ty khai khoáng "đặc biệt" chưa đáp ứng được tỷ lệ phần trăm tiến độ xây dựng nhà máy luyện kim có thể xuất khẩu các sản phẩm thô.

Quy định mới này được ban hành dựa vào Sắc lệnh số 12/2020 của Tổng thống, trong đó xác định dịch COVID-19 là “thảm họa quốc gia”. Các công ty “đặc biệt” được hưởng lợi từ quy định mới bao gồm PT Freeport Indonesia, PT Aneka Tambang, PT Vale Indonesia, và PT Amman Mineral Nusa Tenggar.

Indonesia đặt mục tiêu đưa vào hoạt động vận hành 52 nhà máy luyện kim với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 20,39 tỷ USD vào năm 2022. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, con số này đã điều được chỉnh giảm so với mục tiêu ban đầu là 68 nhà máy.

Theo Bộ trưởng EMR Arifin Tasrif, trong số 52 nhà máy trên, 17 nhà máy đã được đưa vào vận hành vào năm 2019. Từ nay đến năm 2022, 35 nhà máy còn lại, trong đó có 31 nhà máy của công ty PT Freeport Indonesia và hai nhà máy của công ty PT Amman Mineral Industri, sẽ khánh thành và đi vào hoạt động.

Các nhà máy luyện nickel chiếm đa số trong tổng số 52 dự án này, cụ thể là 29 nhà máy với tổng công suất 69 triệu tấn/năm. Tính đến nay, 11 nhà máy luyện nickel đã đi vào hoạt động với công suất 27 triệu tấn/năm.

Hồi tháng 9/2019, Chính phủ Indonesia đã ra lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel thô từ tháng 1/2020, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu. Quyết định này yêu cầu các công ty khai thác trong nước phải sớm bắt đầu xử lý kim loại thô trước khi xuất khẩu ra nước ngoài.

Việc cấm xuất khẩu quặng nickel thô ra thị trường quốc tế nhằm mục đích tăng doanh thu xuất khẩu với các sản phẩm quặng đã xử lý hoặc tinh chế. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp Indonesia giải quyết tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng gia tăng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp luyện kim trong nước.

Indonesia hiện là quốc gia có trữ lượng quặng nickel lớn nhất thế giới với tổng trữ lượng ước đạt 2,8 tỷ tấn. Lượng nickel mà Indonesia có thể tiếp cận khai thác được trong 7-8 năm tới được dự báo đạt khoảng 698 triệu tấn./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục