Indonesia: Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng

08:25' - 14/11/2020
BNEWS Lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng của tất cả các ngân hàng lớn của Indonesia đều bị sụt giảm trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020 do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Lợi nhuận ròng trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020 của Bank Rakyat Indonesia, ngân hàng thương mại lớn nhất quốc gia Đông Nam Á này, giảm tới 43% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 14.120 tỷ rupiah (1,01 tỷ USD).

Ông Sunarso, Giám đốc điều hành Bank Rakyat Indonesia, cho biết lợi nhuận giảm do việc tăng trích nhập dự phòng cho tái cơ cấu nợ, đồng thời tin tưởng rằng tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2020 vẫn sẽ đạt khoảng 5%.

Trong khi đó, ngân hàng Bank Mandiri cũng báo cáo lợi nhuận ròng giảm 30,7% trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020, từ mức 20.250 tỷ rupiah xuống còn 14.030 tỷ rupiah.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng thương mại quốc doanh này đạt 42.160 tỷ rupiah, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, lợi nhuận ròng trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020 của ngân hàng Bank Central Asia giảm 4,2%, xuống còn 20.040 tỷ rupiah. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này cũng giảm 0,6% xuống mức 581.900 tỷ rupiah.

Lợi nhuận ròng của các ngân hàng lớn khác như Bank Negara Indonesia, Bank Danamon và Bank Panin cũng sụt giảm do tác động từ đại dịch COVID-19.

Trước đó, Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) dự báo rằng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm khoảng 30-40% trong năm nay.

Theo số liệu của FSA, trong quý II/2020, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong nước đã giảm 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch FSA, ông Wimboh Santoso, cho biết sự sụt giảm đó là điều dễ hiểu do một lượng lớn các khoản vay được tái cơ cấu trong thời gian đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ông Santoso lạc quan rằng vốn chủ sở hữu của ngành ngân hàng Indonesia vẫn khá mạnh ở mức 23%, đủ để hỗ trợ tăng trưởng cho vay quy mô lớn.

FSA cho biết tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,49% trong tháng Sáu so với mức 3,04% trong tháng trước đó.

Hồi tháng 7/2020, FSA đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 từ mức 11% xuống còn 4%, dựa vào diễn biến tăng trưởng tín dụng trong những tháng gần đây và sự thay đổi trong kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng.

Ông Santoso lạc quan rằng tăng trưởng tín dụng sẽ dần được cải thiện và bắt đầu trở lại bình thường vào đầu năm 2021.

Ngoài ra, nợ xấu của các ngân hàng vẫn có thể được duy trì dưới 3% phù hợp với chương trình tái cơ cấu nợ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục