Indonesia định hướng thủ đô mới là thành phố rừng bền vững

09:54' - 28/05/2023
BNEWS Chính phủ Indonesia định hướng xây dựng thủ đô mới (IKN) Nusantara tại tỉnh Đông Kalimantan theo mô hình thành phố rừng bền vững.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia định hướng xây dựng thủ đô mới (IKN) Nusantara tại tỉnh Đông Kalimantan theo mô hình thành phố rừng bền vững mang tính chất bao trùm, thân thiện với môi trường và có khả năng ứng phó cao.

Ngày 24/5, người đứng đầu chính quyền IKN Nusantara, ông Bambang Susantono cho biết, trong tổng số 256.000 ha của đại dự án này, diện tích xây dựng chỉ chiếm 25%, tương đương khoảng 160.000 ha, trong khi 65% còn lại là rừng nhiệt đới.

 

Phát biểu thảo luận về vấn đề văn hóa và bảo tồn trong dự án này, ông Susantono nêu rõ khái niệm thành phố rừng Nusantara sẽ bao gồm các hoạt động tái trồng rừng, phù hợp với Tầm nhìn Vàng Indonesia 2045.

Quan chức này nhấn mạnh: “IKN là các chữ cái viết tắt của ‘đầu tư’, kiến thức’ và ‘thiên nhiên’ vì chúng tôi tin rằng để tạo ra một thành phố rừng bền vững, sẽ có nhiều khái niệm mới bổ sung lẫn nhau và mang tới những điều tốt đẹp”.

Ông Susantono khẳng định rằng sự phát triển IKN Nusantara phù hợp với một số mục tiêu toàn cầu, như ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua đóng góp do địa phương tự quyết định - một phần của đóng góp do quốc gia tự quyết định - nhằm tạo ra một thành phố carbon thấp và có khả năng ứng phó với khí hậu trong tương lai.

Cũng theo ông Susantono, sự phát triển của IKN Nusantara cũng phù hợp với đa dạng sinh học, một trong những mục tiêu toàn cầu do khu vực này có khả năng hấp thụ carbon và thúc đẩy tái trồng rừng cũng như duy trì hệ động thực vật đa dạng.

Đặc biệt, IKN Nusantara phải trở thành “trung tâm văn minh của các thế hệ tương lai” và là thành phố thông minh tuân thủ các giá trị Indonesia.

Ông Susantono khẳng định: “Ngoài việc hỗ trợ môi trường và phát triển cuộc sống thông minh, làm việc thông minh và học tập thông minh, IKN Nusantara phải phù hợp với các giá trị Indonesia, trở thành phòng thí nghiệm sống xanh, tích cực, đồng thời duy trì sự hòa hợp giữa con người, thiên nhiên và văn hóa”.

Indonesia lần đầu tiên công bố kế hoạch chuyển thủ đô khỏi đảo Java đông dân nhất thế giới vào tháng 4/2019. Vài tháng sau đó, Tổng thống Joko Widodo công bố hai huyện Bắc Penajam Paser và Kutai Kertanegara thuộc tỉnh Đông Kalimantan được lựa chọn là địa điểm đặt thủ đô mới.

Theo quy hoạch, Nusantara sẽ đóng vai trò là trung tâm hành chính của Indonesia, trong khi Jakarta, thủ đô hiện tại và là nơi sinh sống của hơn 10 triệu dân, sẽ vẫn là trung tâm kinh tế và tài chính. Nusantara sẽ được quản lý như một khu tự trị trên cơ sở Hiến pháp. Người đứng đầu chính quyền thủ đô mới sẽ mang hàm bộ trưởng nội các./.  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục