Indonesia khuyến khích công nghiệp xanh

08:00' - 06/04/2021
BNEWS Indonesia đang khuyến khích ngành công nghiệp xanh, trong đó sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, tái chế vật liệu cũng như sử dụng chất thải như một nguồn năng lượng thay thế.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia đang khuyến khích ngành công nghiệp áp dụng chuyển đổi sang công nghệ xanh, hướng tới sự phát triển bền vững, trong đó việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, tái chế vật liệu, áp dụng các quy trình thân thiện với môi trường và bền vững cũng như sử dụng chất thải như một nguồn năng lượng thay thế.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita ngày 5/4 cho biết, kể từ năm 2010, Bộ này đã trao giải thưởng công nghiệp xanh cho các ngành công nghiệp trong nước.

Việc thực hiện chương trình năng lượng hiệu quả trong ngành công nghiệp trị giá 3,5 nghìn tỷ rupiah (240 triệu USD) và việc sử dụng nước hiệu quả cho phép tiết kiệm 229 tỷ rupiah.

Bộ trưởng Agus cho rằng việc áp dụng công nghệ xanh sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế. Ngành công nghiệp tái chế đã phát triển ở Indonesia trong một thời gian khá dài, bao gồm tái chế nhựa, chất bôi trơn, giấy, dệt may và kim loại.

Ngành này đã góp phần tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn và giúp giảm thiểu chất thải. Gần 913 nghìn tấn chất thải nhựa được chế biến mỗi năm thành nhiều loại sản phẩm giá trị gia tăng, có thể mang lại giá trị kinh tế trên 10 nghìn tỷ rupiah mỗi năm và tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm phái sinh từ quá trình tái chế đạt 2 nghìn tỷ rupiah.

Bộ trưởng Agus cũng cho biết, các doanh nghiệp của nước này đang tham gia tái chế chất thải nhựa, với tổng vốn đầu tư 7,15 nghìn tỷ rupiah và công suất sản xuất 2,3 triệu tấn mỗi năm.

Trước đó, Indonesia đã triển khai chương trình quốc gia nhằm đẩy mạnh cải thiện quản lý chất thải trong sản xuất nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thân thiện với môi trường của ngành công nghiệp quốc gia.

Việc sử dụng hiệu quả năng lượng thay thế, thực hiện 4R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và phục hồi) cũng như ứng dụng công nghệ carbon thấp và giảm thiểu chất thải nhằm đảm bảo một ngành công nghiệp thân thiện với môi trường đã trở thành một ưu tiên trong lộ trình Phát triển Indonesia 4.0./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục