Indonesia sẵn sàng can thiệp để ổn định thị trường tài chính

18:55' - 20/03/2020
BNEWS Indonesia sẵn sàng can thiêp để ổn định của thị trường tài chính trước áp lực toàn cầu do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết chính phủ nước này sẵn sàng có các động thái nhanh chóng nhằm duy trì sự ổn định của thị trường tài chính trước áp lực toàn cầu do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bộ trưởng Indrawati, người cũng là Chủ tịch Diễn đàn Hệ thống Ổn định Tài chính Indonesia, tuyên bố sẽ sử dụng tất cả các công cụ từng được sử dụng trong cuộc khủng hoảng năm 1998, đồng thời hy vọng rằng dịch bệnh sẽ không kéo dài và nền kinh tế trong nước có thể sớm hồi phục.

Bà Indrawati cũng khẳng định rằng Bộ Tài chính, Ngân hàng trung ương (BI), Cơ quan dịch vụ tài chính (FSA) và Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Indonesia sẽ tiếp tục theo dõi sát sao hệ thống tài chính trong những ngày tới.

Trong khi đó, Thống đốc BI, ông Perry Warjiyo, đánh giá rằng tình trạng bán tháo trên thị trường tài chính đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, bao gồm cả Indonesia.

Tính đến ngày 19/3, 105,1 nghìn tỷ rupiah (6,78 tỷ USD) đã được rút khỏi nước này.

Đổi lại, BI đã mua vào 92,8 nghìn tỷ rupiah trái phiếu và 8,3 nghìn tỷ rupiah cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, BI đã mua tổng cộng 163 nghìn tỷ rupiah trái phiếu.

Theo ông Perry, những gì đang xảy ra là do sự hoảng loạn trên thị trường vốn toàn cầu trước sự lây lan nhanh của dịch COVID-19.

Các nhà đầu tư đã bán các tài sản mà họ nắm giữ và chuyển đổi sang đồng USD, dẫn đến thanh khoản khan hiếm.

Do đó, Thống đốc BI cho biết giải pháp bình ổn của cơ quan này là cung cấp thanh khoản nhằm tái lập trật tự trên thị trường vốn.

Ông cũng đảm bảo rằng kho dự trữ ngoại hối trị giá 130,4 tỷ USD của Indonesia đủ để ứng phó với các tác động của dịch bệnh. Mục tiêu của BI là đảm bảo niềm tin và tính thanh khoản trên thị trường ngoại hối.

Trong khi đó, Chủ tịch FSA, ông Wimboh Santoso, tuyên bố rằng cơ quan này đã và đang thực hiện nhiều chính sách nhằm duy trì niềm tin của thị trường thông qua các quy định mới về bán khống, tạm dừng giao dịch và lên kế hoạch mua lại cổ phiếu nhằm chặn đà đi xuống của thị trường chứng khoán.

Trong phiên giao dịch sáng 20/3, đồng rupiah của Indonesia đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013, ở mức 16.040 rupiah/USD, giảm 0,88% so với ngày 19/3. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp Jakarta giảm 1,72% xuống còn 4.034,99 điểm, giảm hơn 30% so với đầu năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục