Indonesia sẽ tăng ngân sách cho chăm sóc y tế

08:14' - 11/04/2023
BNEWS Bộ Tài chính Indonesia đang có kế hoạch phân bổ 200.800 tỷ rupiah (13,4 tỷ USD) ngân sách năm 2024 cho chăm sóc y tế nhằm giải quyết tình trạng thấp còi và bệnh lao ở quốc gia này.
Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, Chính phủ Indonesia sẽ không dành khoản chi cụ thể nào để ứng phó với đại dịch COVID-19. Ngân sách y tế năm 2024 cũng cao hơn mức 178.700 tỷ rupiah của năm 2023.

 
Phát biểu tại hội nghị hôm 6/4, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết: “Chúng tôi sẽ giữ ngân sách chăm sóc y tế năm 2024 trong khoảng 187.400-200.800 tỷ rupiah. Con số này cao hơn chi tiêu cho chăm sóc y tế vào năm 2022 hoặc 2023, song vẫn thấp hơn mức chi của năm 2021”.

Số liệu thống kê cho thấy Chính phủ Indonesia đã chi 172.300 tỷ rupiah cho chăm sóc y tế vào năm 2020. Khoản chi này đã tăng vọt lên mức 312.400 tỷ rupiah để điều trị cho các ca mắc COVID-19 vào năm 2021 và giảm còn 176.700 tỷ rupiah vào năm ngoái sau khi đại dịch lắng xuống.

Indonesia đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm lập quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em thấp còi lên tới 21,6%, cùng số ca mắc bệnh lao và phong thuộc hàng cao nhất thế giới có thể cản trở giấc mơ đó.

Bà Indrawati cho hay: “Chúng ta cần tăng cường chi tiêu cho phát triển nguồn nhân lực, bao gồm cả chăm sóc y tế, nếu muốn có sự chuyển đổi kinh tế như dự kiến vào năm 2045. Đó không chỉ là giải quyết tình trạng còi cọc, mà còn cả bệnh lao, sốt rét và bệnh phong”.

Theo cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới này, Indonesia và Ấn Độ đang chạy đua để trở thành nước có thành tích hàng đầu trong số các thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Đồng thời, đây cũng là 2 quốc gia có số liệu kém nhất về tỷ lệ mắc bệnh lao.

Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia (Bappenas) cho biết quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 969.000 ca mắc bệnh lao mới mỗi năm, đứng thứ hai trên toàn cầu. Số ca mắc bệnh phong lên tới 12.095 ca mỗi năm, cao thứ ba thế giới, trong khi số ca mắc bệnh sốt rét là 415.140 ca.

Indonesia đặt mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ thấp còi từ 21,6% vào năm 2022 xuống còn 14% vào năm 2024. “Quốc gia vạn đảo” này cũng đặt kế hoạch giảm tỷ lệ mắc bệnh lao từ mức 354 ca vào năm 2022 xuống còn 297 ca/100.000 dân vào năm tới.

Mặt khác, Indonesia cũng đặt mục tiêu thanh toán bệnh sốt rét tại 405 trong tổng số 514 huyện và thành phố trên cả nước vào năm tới, đồng thời loại bỏ được bệnh phong tại tất cả các địa phương trên khắp quần đảo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục