Indonesia sẽ xây 19 khu công nghiệp ưu tiên bên ngoài đảo Java

20:57' - 11/12/2019
BNEWS Chính phủ Indonesia vừa công bố kế hoạch xây dựng 19 khu công nghiệp ưu tiên bên ngoài đảo Java trong giai đoạn 2020 – 2024 nhằm phát triển công nghiệp đồng đều trên khắp cả nước.

Chính phủ Indonesia mới đây đã công bố kế hoạch xây dựng 19 khu công nghiệp (KCN) ưu tiên bên ngoài đảo Java trong giai đoạn 2020 – 2024 trong khuôn khổ tầm nhìn của Tổng thống Joko Widodo nhằm phát triển công nghiệp đồng đều trên khắp cả nước.

Theo Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita, từ năm 2015, Chính phủ Indonesia đã triển khai kế hoạch phát triển công nghiệp bên ngoài đảo Java với 14 KCN ưu tiên.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, có tới 24 KCN đã được xây dựng tại các đảo Sumatra, Kalimantan và các đảo lớn khác ngoài đảo Java.

Tiếp nối thành công trên, Chính phủ Indonesia sẽ xây dựng thêm 19 KCN ngoài đảo Java, trong đó 9 KCN tại đảo Sumatra, 6 KCN tại đảo Kalimantan, và 4 KCN còn lại tại các đảo Madura, Maluku, Sulawesi và Papua.

Các KCN này sẽ tập trung vào các lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp, dầu khí, kim loại, than đá, công nghiệp công nghệ cao, và hàng không vũ trụ.

Bộ trưởng Kartasasmita cho biết các KCN trên đảo Java sẽ tập trung vào công nghệ cao, thâm dụng lao động và các lĩnh vực ít tiêu thụ nước. Trong khi đó, định hướng phát triển các KCN bên ngoài đảo Java gồm công nghiệp khai khoáng, công nghiệp logistic, và trung tâm phát triển kinh tế mới.

Theo thống kê của Bộ Công nghiệp, Indonesia hiện có 103 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 55.000 hecta, trong đó tập trung chủ yếu tại đảo Java với 58 KCN và đảo Sumatra với 33 KCN. Bên cạnh đó, có 15 KCN đang được xây dựng và 10 KCN đang trong giai đoạn lập kế hoạch.

Các KCN được cho là “đầu kéo” đối với nền kinh tế quốc gia, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng, tận dụng nguồn nhân lực địa phương và thu ngoại tệ.

Từ năm 2015 đến nửa đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư vào các KCN đạt 1,173 triệu tỷ Rupiah (gần 84 tỷ USD), trong đó chủ yếu tập trung vào các ngành luyện kim, sản xuất máy móc và điện tử (266.000 tỷ Rupiah), thực phẩm (257.000 tỷ), hóa chất và dược phẩm (172.000 tỷ), phi kim loại (98.000 tỷ) và sản xuất ô tô (96.000 tỷ)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục