Indonesia tìm cách giảm nhập khẩu muối

07:38' - 08/10/2020
BNEWS Chính phủ Indonesia vừa công bố các chiến lược nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn muối nhập khẩu, đồng thời bảo vệ các diêm dân trong nước.

Theo Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo, diêm dân Indonesia hiện đang phải vật lộn để đáp ứng tiêu chuẩn của các cơ sở sản xuất, vốn yêu cầu hàm lượng natri clorua trong muối phải đạt 97%, cao hơn mức trung bình hiện nay là dưới 90%. Tính đến ngày 22/9, có tới 738.000 tấn muối chưa được các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống, khai thác mỏ, hóa chất và dược phẩm thu mua. 

Ngoài ra, diêm dân Indonesia thu hoạch muối từ nước biển bằng các phương pháp sản xuất truyền thống vốn phụ thuộc vào thời tiết, tạo ra nhiều tạp chất và sản lượng thấp. Mỗi năm Indonesia cần ít nhất 4 triệu tấn muối song sản lượng nội địa chỉ đạt tối đa 2 triệu tấn.

Phát biểu tại phiên họp nội các trực tuyến bàn cách thúc đẩy sản xuất muối trong nước mới đây, Tổng thống Jokowi nhấn mạnh rằng sản lượng muối của Indonesia, buộc các cơ sở sản xuất dựa vào nhập khẩu. Tình trạng này đã diễn ra từ lâu và chưa có giải pháp.

Theo Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Bambang Brodjonegoro, tổng lượng muối công nghiệp nhập khẩu của Indonesia lên tới 2,9 triệu tấn mỗi năm, trong đó 2,3 triệu tấn muối dùng cho các nhà máy clo-kiềm và nhà máy thủy tinh. Khoảng 540.000 tấn muối nhập khẩu được sử dụng cho ngành công nghiệp thực phẩm, trong khi ngành khai khoáng và dược phẩm tiêu thụ số muối nhập khẩu còn lại.

Hiện Cơ quan đánh giá và ứng dụng công nghệ (BPPT) thuộc Bộ Nghiên cứu và Công nghệ đã phát triển một nhà máy sản xuất muối công nghiệp tích hợp nhằm gia tăng hàm lượng natri clorua trong muối do diêm dân địa phương sản xuất. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 40 tỷ rupiah (khoảng 2,7 triệu USD) và đạt công suất 40.000 tấn mỗi năm.

Hiện Chính phủ Indonesia đang có kế hoạch xây dựng thêm hai nhà máy vào năm tới. Theo tính toán, nếu xây dựng 14-15 nhà máy tương tự, Indonesia có thể sản xuất thêm 600.000-700.000 tấn muối mỗi năm.

Bộ trưởng Bambang bày tỏ lạc quan rằng công nghệ trên có thể giúp thay thế hàng nhập khẩu và giúp Indonesia tự chủ một phần muối ăn cũng như muối dùng trong khai mỏ. Ngoài ra, việc xây dựng các nhà máy muối tích hợp này cũng giúp cải thiện thu nhập cho các diêm dân trong nước.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ muối của các nhà máy sản xuất thủy tinh, BPPT đang nghiên cứu một công nghệ có thể tái chế muối đã qua sử dụng tại các nhà máy điện hơi nước thành muối và nước uống chất lượng cao.

Chính phủ Indonesia đã lựa chọn một nhà máy điện ở tỉnh Banten để thử nghiệm công nghệ trên với công suất 100.000 tấn mỗi năm. Nếu dự án thí điểm thành công, công suất tái chế muối sẽ được mở rộng và công nghệ mới sẽ được áp dụng cho các nhà máy điện khác.

Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước có thể trực tiếp nhập khẩu muối và đường nếu xin được giấy phép của Bộ Công nghiệp. Theo Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang, các công ty bị bắt quả tang phân phối trái phép muối hoặc đường nhập khẩu sẽ bị xử phạt nghiêm khắc./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục