Indonesia ưu tiên phát triển các làng du lịch

15:49' - 08/02/2023
BNEWS Với hơn 80.000 ngôi làng trên khắp Indonesia, việc khai thác tiềm năng du lịch của các ngôi làng này được đánh giá sẽ tạo hiệu ứng domino để cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia có tổng cộng hơn 80.000 ngôi làng trên khắp cả nước và việc khai thác tiềm năng du lịch của các ngôi làng này được đánh giá có thể mang lại hiệu ứng domino nhằm cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia (Kemenparekraf) cho biết chính phủ nước này coi các làng du lịch là “ưu thế vượt trội” và là “ưu tiên hàng đầu” trong nỗ lực phục hồi ngành công nghiệp không khói giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.

 

Phát biểu tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 vừa diễn ra tại thành phố Yogyakarta của Indonesia, ông Raden Wisnu Sindhutrisno, Vụ trưởng Thị trường châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, cho biết làng du lịch được chọn ưu tiên vì tác động trực tiếp đến cộng đồng.

Nhiều làng du lịch sở hữu những nét độc đáo cả về môi trường tự nhiên lẫn văn hóa. Do vậy, đây sẽ là điểm thu hút khách tham quan. Các làng du lịch có thể tạo sức hút bằng cách cung cấp những trải nghiệm thú vị về cuộc sống của người dân, như chăn trâu bò hoặc trồng lúa.

Theo ông Wisnu, Kemenparekraf sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để đào tạo nâng cao năng lực cho các nhà quản lý làng du lịch nhằm thu hút nhiều du khách hơn. Ngoài ra, bộ này cũng sẽ tăng cường đầu tư nhằm tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, bởi có nhiều làng du lịch hấp dẫn song cơ sở hạ tầng và đường sá chưa thuận lợi.

Trước đó, ngày 30/1, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, ông Sandiaga Uno cũng đã phát động “Giải thưởng Làng Du lịch Indonesia (ADWI)” năm 2023 với chủ đề “Du lịch đẳng cấp thế giới để phát triển Indonesia” và mục tiêu nâng số lượng làng du lịch lên 4.000 làng vào cuối năm nay, từ mức 3.419 làng vào năm ngoái.

Ông cho biết giải thưởng ADWI - được khởi động vào năm 2021– đã ngay lập tức mang lại những tác động tích cực cho người dân địa phương. Cũng theo ông Sandiaga, ngoài việc thu hút khách du lịch nội địa, một trong những mục tiêu của việc tổ chức ADWI là tạo nhận thức cho các chủ thể kinh doanh về du lịch và kinh tế sáng tạo.

Ông Sandiaga nhấn mạnh thêm rằng trong thời gian đại dịch COVID-19, lượng khách quốc tế đến thăm các làng du lịch đã tăng 30%. Điều này cũng phù hợp với tầm nhìn của Indonesia là một điểm đến du lịch bền vững và đẳng cấp thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục