Indonesia và kế hoạch áp thuế những sở thích của người giàu

06:30' - 30/07/2024
BNEWS Bộ Tài chính Indonesia đang cân nhắc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới đối với vé hòa nhạc và các hàng hóa khác như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tăng doanh thu.

Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp đã cảnh báo động thái như vậy sẽ gây tổn hại đến ngành công nghiệp âm nhạc và có khả năng làm giảm giá trị văn hóa mà ngành này đang cố gắng bảo tồn.

Ý tưởng này lần đầu tiên được tiết lộ bởi quan chức cấp cao của Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt (DJBC) Iyan Rubiyanto khi ông phát biểu tại Học viện Tài chính Nhà nước (STAN) mới đây. Ông cho biết, “người dân Indonesia thực sự khá giàu” vì vé hòa nhạc thường xuyên được bán hết trong nước, đồng thời khẳng định rằng nhiều người thậm chí còn ra nước ngoài như Singapore để tham dự các buổi hòa nhạc. Tuy nhiên, ông không tiết lộ thêm chi tiết và nhấn mạnh rằng bộ này vẫn đang nghiên cứu kế hoạch trên.

Ông Iyan cho biết, Bộ Tài chính đang xem xét áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng, bao gồm thức ăn nhanh, điện thoại thông minh và nhà ở. Ông chỉ ra rằng bộ cũng có thể áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với "sở thích của người giàu" bao gồm cả chơi golf. Các mặt hàng khác có thể là than, khăn giấy và chất tẩy rửa là những mục tiêu tiềm năng. Mỗi mặt hàng đều có lý do riêng để được đưa vào danh sách áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong khi đó, người phát ngôn của DJBC Nirwala Dwi Heriyanto đã làm rõ trong một tuyên bố ngày 25/7 rằng, cuộc thảo luận về việc mở rộng mức thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ mang tính lý thuyết và không có nghĩa là điều này sẽ sớm thành hiện thực. Người phát ngôn Nirwala cho biết, họ đang khảo sát ý kiến đóng góp từ cộng đồng học thuật. Chính phủ rất thận trọng và cân nhắc đến nhiều vấn đề như điều kiện kinh tế của người dân, đất nước, ngành công nghiệp, sức khỏe, môi trường...

Hiện nay, Chính phủ Indonesia chỉ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm rượu và thuốc lá, và đã có kế hoạch áp dụng một loại thuế tiêu thụ đặc biệt khác đối với sản phẩm nhựa và đồ uống có đường để chống lại rác thải nhựa và đẩy lùi các trường hợp bệnh liên quan đến đường, đặc biệt là bệnh tiểu đường, nhưng việc triển khai đã bị trì hoãn do sự phản đối từ các ngành công nghiệp.

Indonesia có kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện quốc tế hơn để thu hút khách du lịch nước ngoài đến nước này, bao gồm các chương trình biểu diễn ca nhạc thu lợi nhuận, như chương trình biểu diễn kéo dài 6 ngày của Taylor Swift tại nước láng giềng Singapore. Nước này cam kết sẽ đơn giản hóa giấy phép và đã chuẩn bị các ưu đãi để thực hiện điều này.

Trao đổi với tờ Jakarta Post ngày 25/6, Giảng viên Khoa Nhân văn thuộc Đại học Indonesia Manneke Budiman cho biết, luật số 39/2007 về thuế tiêu thụ đặc biệt quy định rằng việc áp dụng thuế này được thực hiện đối với một số hàng hóa mà việc tiêu thụ phải được kiểm soát, việc lưu thông phải được giám sát và việc sử dụng (hàng hóa đó) có thể tác động tiêu cực đến con người hoặc môi trường hoặc đơn giản là "vì mục đích công bằng và cân bằng".

Trong bối cảnh đó, giảng viên Manneke cho rằng, bản chất của [các buổi hòa nhạc] không gây nguy hiểm và không cần phải kiểm soát hay giám sát. Ngoài ra, ông cho biết không phải mọi buổi hòa nhạc đều có động cơ thương mại, một số buổi hòa nhạc là nỗ lực quảng bá văn hóa hoặc nghệ thuật để "bảo vệ và gìn giữ" giá trị văn hóa. Theo ông, những buổi hòa nhạc như vậy là không cần đánh thuế ngay cả khi chúng được tài trợ.

Đồng quan điểm này, chuyên gia của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về di sản văn hóa phi vật thể Harry Waluyo nhận định, loại thuế này không chỉ có khả năng gây hại cho ngành công nghiệp văn hóa mà còn ảnh hưởng đến các nỗ lực bảo tồn truyền thống. Ông cho rằng nhiều "nghệ sĩ truyền thống" biểu diễn trong các buổi hòa nhạc thường không hướng đến mục tiêu "vật chất". Các chi phí phát sinh dưới hình thức thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ trở thành gánh nặng cho những nghệ sĩ như vậy và nếu chính phủ quyết định thực hiện kế hoạch, ông khuyên nên tìm cách để "không ảnh hưởng đến họ".

Người đứng đầu Hiệp hội các nhà quảng bá âm nhạc Indonesia (APMI) Dino Hamid cho biết thêm, những người trong ngành phản đối kế hoạch này vì nó sẽ gây ảnh hưởng đến cả những nhà quảng bá và khán giả. Chuyên gia Dino Hamid nói: “Chi phí bổ sung sẽ dẫn đến giá vé cao hơn cho khán giả và khi điều đó xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự thích thú của họ”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục