Indonesia và Trung Quốc chính thức thanh toán giao dịch thương mại bằng đồng nội tệ

11:35' - 06/09/2021
BNEWS Để hỗ trợ việc vận hành khuôn khổ LCS sử dụng đồng rupiah và NDT, BI và PBoC đã chỉ định một số ngân hàng ở các quốc gia tương ứng hoạt động như các đại lý tiền tệ chéo được chỉ định (ACCD).

Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) ngày 6/9 thông báo BI và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương nước này) chính thức bắt đầu triển khai các giao dịch thanh toán bằng đồng nội tệ (LCS) giữa hai nước bằng đồng nội tệ rupiah-NDT.

Theo thông báo, khuôn khổ LCS là việc giải quyết các giao dịch thương mại giữa hai quốc gia được thực hiện bằng đơn vị tiền tệ của mỗi quốc gia mà việc thanh toán giao dịch được thực hiện trong phạm vi quyền hạn của các quốc gia tương ứng.

Khuôn khổ cho sự hợp tác này bao gồm sử dụng báo giá tỷ giá hối đoái trực tiếp và nới lỏng các quy định nhất định trong giao dịch ngoại hối giữa đồng nội tệ rupiah và NDT.

BI giải thích Khuôn khổ hợp tác này được chuẩn bị dựa trên Bản Ghi nhớ đã được Thống đốc BI Perry Warjiyo và Thống đốc PBoC Dịch Cương ký ngày 30/9/2020.

Việc mở rộng sử dụng LCS được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự ổn định của đồng rupiah thông qua việc giảm sự phụ thuộc vào một số đồng tiền nhất định trên thị trường ngoại hối trong nước.

Việc sử dụng LCS cũng sẽ mang lại lợi ích trực tiếp như phí chuyển đổi các giao dịch ngoại tệ thấp hơn, khả năng cung ứng tài chính thay thế và đầu tư trực tiếp bằng đồng nội tệ.

Để hỗ trợ việc vận hành khuôn khổ LCS sử dụng đồng rupiah và NDT, BI và PBoC đã chỉ định một số ngân hàng ở các quốc gia tương ứng hoạt động như các đại lý tiền tệ chéo được chỉ định (ACCD).

Các ngân hàng được chỉ định là ACCD ở Indonesia gồm chi nhánh Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Danamon của Indonesia, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) chi nhánh tại Indonesia, PT Bank Mandiri (Persero), Ngân hàng Maybank Indonesia, P.T. Ngân hàng Rakyat Indonesia (Persero), Bank of China Hong Kong...

Trong khi các ngân hàng được chỉ định là ACCD ở Trung Quốc gồm Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Bank of China, Ngân hàng Ningbo, Ngân hàng Mandiri chi nhánh Thượng Hải, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, ICBC, Chi nhánh Maybank Thượng Hải...

Ngoài Trung Quốc, hiện BI cũng có khuôn khổ hợp tác LCS với một số quốc gia đối tác khác là Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan./.

>>>Indonesia và Nhật Bản nhất trí đẩy mạnh thanh toán bằng đồng nội tệ

Đình Ánh (P/v TTXVN tại Jakarta)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục