ISC công bố 3 viễn cảnh dịch bệnh COVID-19 trong 5 năm tới

14:20' - 24/05/2022
BNEWS Trong một nghiên cứu của Hội đồng Khoa học quốc tế (ISC) vừa công bố, các nhà nghiên cứu đã phân tích và đưa ra 3 viễn cảnh dịch bệnh COVID-19 trong 5 năm tới.

Theo đó, các nhà nghiên cứu tại ISC cho rằng rất có thể vào năm 2027, COVID-19 sẽ trở thành căn bệnh đặc hữu mà con người có thể sống chung nhưng vẫn sẽ gây ra những đợt dịch theo mùa, đòi hỏi phải có các loại vaccine cập nhật để ứng phó.

Phần lớn dân số chưa tiêm phòng COVID-19 trên thế giới chủ yếu vẫn sẽ nằm ở các quốc gia có thu nhập thấp, nơi có nguy cơ mất an ninh lương thực và hệ thống y tế có thể sụp đổ.

Với tiến trình phục hồi và tỷ lệ tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 không đồng đều giữa các quốc gia, nghiên cứu cảnh báo tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng trên thế giới.

Trong một viễn cảnh bi quan hơn vào năm 2027, thế giới có chưa đến 70% dân số đã tiêm phòng COVID-19 và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như phong tỏa diện rộng sẽ được áp dụng ở một số quốc gia.

Các nhà nghiên cứu cho rằng thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với những biến động xã hội nghiêm trọng như trường học đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp cao trong thời gian dài, trong khi chủ nghĩa dân tộc ngày càng dâng cao sẽ cản trở nỗ lực tiêm chủng và làm phát sinh thêm xung đột.

Thậm chí, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ, nhiều quốc gia sẽ chuyển sang đảo ngược các chính sách bảo vệ môi trường nhằm khắc phục tác động kinh tế do COVID0-19 gây ra.

Theo ISC, kịch bản thứ ba và lạc quan nhất, đó là nỗ lực hợp tác toàn cầu sẽ khiến COVID-19 trở thành một căn bệnh dễ kiểm soát hơn và không còn là căn bệnh được ưu tiên giải quyết cấp bách.

Vaccine ngừa COVID-19 đã được phân phối công bằng hơn trên toàn cầu - bao phủ hơn 80% dân số - trong khi không còn cần phải đóng cửa các trường học cũng như áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch.

Các chuyên gia cho rằng nhờ nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia, thế giới có khả năng giải quyết tốt hơn các cuộc khủng hoảng khác như khủng hoảng an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

Các nhà nghiên cứu ISC nhấn mạnh sự cần thiết phải có những chính sách cấp quốc gia và toàn cầu để giải quyết tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng không chỉ trong phân phối vaccine ngừa COVID-19 mà còn trong phục hồi kinh tế, thu hẹp khoảng cách về giáo dục và kỹ thuật số.

Nhà dịch tễ học tại Đại học Otago (New Zealand), Giáo sư Michael Baker, nhận định nghiên cứu của ISC được công bố vào thời điểm ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc. Ông Baker cảnh báo virus SARS-CoV-2 đang tiếp tục biến đổi để né tránh miễn dịch và tăng tỷ lệ tái nhiễm, dẫn đến những làn sóng lây nhiễm tiếp theo trên toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục