Israel khởi động chương trình hỗ trợ R&D với doanh nghiệp sản xuất kém lợi thế

08:38' - 30/05/2023
BNEWS Israel đã khởi động chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kém lợi thế tích hợp quy trình nghiên cứu và phát triển (R&D) với đổi mới sáng tạo.
Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel phối hợp với Viện Công nghệ Technion ngày 28/5 đã khởi động chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kém lợi thế tích hợp quy trình nghiên cứu và phát triển (R&D) với đổi mới sáng tạo, qua đó nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh cho nhóm này.
Đây là thỏa thuận hợp tác đầu tiên trong lĩnh vực này được ký kết giữa một cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế và một cơ sở hàng đầu về nghiên cứu khoa học tại Israel. Với cam kết 4 triệu NIS (1,12 triệu USD), chương trình sẽ hỗ trợ các chuyên gia của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Công nghiệp Chế tạo Israel để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề được nêu ra trong một cuộc khảo sát gần đây đối với khoảng 100 nhà máy chế tạo.
 
Tổng Giám đốc điều hành (tương đương Thứ trưởng thường trực) Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel, Amnon Merhav khẳng định: "Đây là một dự án thiết yếu và là sự hợp tác quan trọng giữa giới nghiên cứu và ngành công nghiệp; sẽ khuyến khích quá trình đổi mới, nghiên cứu và sản xuất hiện đại… tận dụng lợi thế so sánh của Israel – nhân tố con người".
Chương trình sẽ xác lập một “danh mục 360 độ" phù hợp với từng ngành nghề, xác định lợi thế tương đối của mỗi ngành và hỗ trợ phát triển mạng lưới đối tác vùng giữa các doanh nghiệp. Các đơn vị chuyên môn của Technion sẽ tham gia tùy theo lĩnh vực và chuyên ngành nghiên cứu. Trong giai đoạn đầu, nguồn ngân sách sẽ được phân bổ để mỗi doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ khoảng 35.000-70.000 NIS.
Một nghiên cứu do Bộ Kinh tế phối hợp với Viện Technion tiến hành năm ngoái về nhu cầu đổi mới trong sản xuất công nghiệp ở khu vực phía bắc Israel đã có phát hiện quan trọng: Các ngành nghề công nghiệp kém lợi thế (phi công nghệ) tại Israel đang tụt hậu trong khai thác tiềm năng hợp tác với giới nghiên cứu.
Trong khi các công ty công nghệ cao và các doanh nghiệp lớn tận dụng được khoảng 90% cơ hội hợp tác với giới học thuật, các doanh nghiệp kém lợi thế lại gặp khó khăn trong tiếp cận do quá nhiều rào cản khác nhau. Các rào cản chính bao gồm: Sự thiếu hụt về nguồn nhân sự quản lý, khoảng cách tụt hậu của ngành và giới học giả, sự khác biệt về cung-cầu trong hợp tác, bên cạnh rào cản của bộ máy quan liêu.
So sánh dữ liệu về đầu tư cho R&D của các nền kinh tế thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy mặc dù Israel đứng thế giới về tỷ lệ đầu tư nếu tính chung cho toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế, thì lại tụt hậu nếu xét riêng nhóm các doanh nghiệp kém lợi thế, không thuộc các lĩnh vực hấp dẫn. Xét riêng nhóm này, Israel chỉ đứng ở vị trí thứ 17 trong số các nền kinh tế thành viên OECD, với tỷ lệ đầu tư là 3,3% GDP, so với tỷ lệ 8-9% ở các nước khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục