Italy cân nhắc đi vay thêm để đối phó với khủng hoảng

08:45' - 17/03/2022
BNEWS Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Italy Stefano Patuanelli, chính phủ nước này sẽ lên kế hoạch đi vay thêm trong năm nay để bảo vệ các doanh nghiệp và gia đình khỏi hậu quả của cuộc chiến Nga-Ukraine.
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Robbio, Italy do dịch COVID-19 ngày 4/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài Radio 24, Bộ trưởng Patuanelli cho rằng "việc tăng chi tiêu thâm hụt hiện nay là chính đáng và cần thiết hơn".

 

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, cho đến nay, chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi đã chi khoảng 16 tỷ euro (17 tỷ USD) để hỗ trợ người tiêu dùng khỏi các đợt tăng giá năng lượng, bắt đầu trước khi Nga tiến hành hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Chính phủ Italy đã cố gắng hỗ trợ người tiêu dùng mà không làm tăng thêm thâm hụt ngân sách của đất nước, nhưng do không có dấu hiệu chấm dứt xung đột và tiếp tục có các cú sốc từ phía cung và ngành năng lượng, chính phủ có thể sẽ phải tăng chi tiêu tài khóa hơn nữa.

Xung đột tại Ukraine đã khiến các nước châu Âu phải vật lộn để sống mà không có khí đốt tự nhiên của Nga, nước đang cung cấp 40% nhu cầu của khu vực này. Họ cũng phải đối phó với tác động đến nền kinh tế mà các lệnh trừng phạt đối với Nga để kiềm chế Tổng thống Vladimir Putin gây ra.

Theo cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT), mặc dù nền kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng 6,6% trong năm 2021, nhưng tăng trưởng năm nay dường như sẽ chậm lại.

Trước đó, Thủ tướng Mario Draghi đã đánh giá rằng nền kinh tế Italy đủ mạnh để có thể vượt qua một cuộc suy giảm và nợ của nước này vẫn trong tầm kiểm soát ngay cả khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm bớt các khoản hỗ trợ kinh tế.

Phát biểu tại cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Versailles (Pháp) cuối tuần qua, Thủ tướng Draghi nói: “Tôi không thấy có rủi ro đối với nợ của Italy. Chúng tôi sẵn sàng đối phó với một đợt suy giảm tăng trưởng tạm thời và sự bền vững nợ sẽ không bị ảnh hưởng”.

ECB đã bất ngờ quyết định đẩy trước việc giảm mua trái phiếu lên đầu tháng 5 tới, khi phải vật lộn với sức ép lạm phát sau cuộc chiến tại Ukraine. Chương trình này, hiện đang hỗ trợ sự vay nợ của Italy, có thể kết thúc ngay từ quý 3 tới.

Sự phục hồi kinh tế từ đại dịch COVID-19 đang cho phép Chính phủ Italy hạn chế các khoản vay trong khoảng 150% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bất chấp việc phải chi thêm để hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp.

Việc giá năng lượng tiếp tục tăng đang ảnh hưởng mạnh đến Italy, nhưng Thủ tướng Draghi lạc quan về khả năng vượt qua khủng hoảng của nước này. Ông nói: “Mức tăng trưởng năm 2021 là đặc biệt. Chúng tôi có thể đạt thành tích tăng trưởng tốt trong năm 2022, cho dù chiến tranh đang đe dọa các triển vọng”.

Cựu Chủ tịch ECB cũng khuyến nghị rằng EU cần phải tiếp tục chính sách tài chính mở rộng và tập trung vào đầu tư để có thể đạt được các mục tiêu khí hậu và quốc phòng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục