Italy có kế hoạch chi 4,6 tỷ USD để thu hút đầu tư sản xuất chip trong nước

09:14' - 14/03/2022
BNEWS Chính phủ Italy có kế hoạch dành hơn 4 tỷ euro (4,6 tỷ USD) từ nay đến năm 2030 để thúc đẩy sản xuất chip ở trong nước, trong bối cảnh Italy đang tthu hút đầu tư từ các công ty công nghệ như Intel.

Theo dự định nghị định mới đây, Italy có kế hoạch phân bổ 150 triệu euro vào năm 2022 và 500 triệu euro mỗi năm từ năm 2023 đến năm 2030, như một phần của gói 8 tỷ euro để hỗ trợ nền kinh tế và hạn chế sự gia tăng của các hóa đơn năng lượng.

 

Chính phủ Italy sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển công nghệ vi xử lý và đầu tư vào các ứng dụng công nghiệp mới của các công nghệ sáng tạo. Rome cũng sử dụng nguồn tài trợ để chuyển đổi các địa điểm công nghiệp hiện có và ủng hộ việc xây dựng các nhà máy mới ở Italy.

Chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi đang cố gắng thuyết phục tập đoàn Intel của Mỹ chi hàng tỷ euro cho một nhà máy sản xuất chip hiện đại ở Italy, sử dụng các công nghệ tiên tiến để sản xuất các con chip hoàn chỉnh.

Rome đã sẵn sàng cung cấp cho Intel tiền đầu tư công và các điều khoản có lợi khác để tài trợ một phần cho dự án đầu tư tổng thể, dự kiến trị giá khoảng 8 tỷ euro (9 tỷ USD) trong vòng 10 năm.

Để thúc đẩy việc sản xuất chip ở trong nước, Italy cũng đang đàm phán với tập đoàn Pháp-Italy STMicroelectronics, Công ty Vật liệu điện tử MEMC do Đài Loan (Trung Quốc) kiểm soát và Tower Semiconductor (TSEM.TA) của Israel, đang được Intel mua lại.

Một nguồn tin từ Chính phủ Italy cho biết các cuộc đàm phán với Intel rất phức tạp vì tập đoàn của Mỹ đã đưa ra các yêu cầu rất khó khăn. Để đạt được thỏa thuận với Intel, Italy cũng đang dựa trên các quy tắc tài trợ mới cho các cơ sở bán dẫn sáng tạo được Ủy ban châu Âu (EC) công bố vào tháng trước theo Đạo luật chip.

Liên minh châu Âu (EU) đã dành thêm 15 tỷ euro tiền đầu tư công và tư nhân đến năm 2030, bên cạnh 30 tỷ euro đầu tư công đã được lên kế hoạch từ Quỹ tài trợ hậu COVID-19 NextGenerationEU, Horizon Europe và ngân sách quốc gia.

Vào tháng 9/2021, Intel cho biết, họ có thể đầu tư tới 95 tỷ USD vào châu Âu trong thập kỷ tới. Theo kế hoạch, tập đoàn của Mỹ đã chọn thành phố Magdeburg ở phía Đông nước Đức làm địa điểm cho một nhà máy sản xuất chip châu Âu trị giá hàng tỷ euro mới.

Các nhà sản xuất chip đang chạy đua để tăng sản lượng sau khi nhu cầu bùng nổ đối với các thiết bị điện tử tiêu dùng như điện thoại thông minh và máy tính do xu hướng làm việc tại nhà trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, các nước EU mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp chất bán dẫn từ Trung Quốc và Mỹ sau các vấn đề chuỗi cung ứng gần đây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục