Italy khẳng định chính sách tiền tệ của ECB là phù hợp

19:36' - 05/06/2023
BNEWS Theo Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy Ignazio Visco, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang theo đuổi chính sách tiền tệ phù hợp với tình hình,dù có thể thực hiện cách tiếp cận dần tăng lãi suất.

Phát biểu tại phiên họp có chủ đề "Italy, châu Âu và sự bất ổn kinh tế - các chính sách toàn cầu" ở thành phố Turin vào ngày 4/6, ông Visco nói chính sách tiền tệ hiện nay của ECB là đúng đắn để kiểm soát các yếu tố thúc đẩy nhu cầu và đáp ứng mục tiêu ổn định giá cả. Ông nói thêm rằng lạm phát cơ bản có thể giảm do chi phí năng lượng giảm.

 

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy, đồng thời là thành viên của Hội đồng quản trị ECB cho biết, chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương châu Âu cần đi kèm với chính sách tài khóa khôn ngoan và trách nhiệm từ các đối tác xã hội.

Thống đốc Visco cũng nói rằng tại Italy và châu Âu, nhiều người vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của sự đổi mới, kể cả trong lĩnh vực ô tô. Ông cho hay trong lĩnh vực ô tô điện, Italy và châu Âu đã bị tụt lại sau. Còn trong quá trình đổi mới kỹ thuật số, châu Âu cũng chắc chắn không đóng vai trò lãnh đạo.

Theo ông Visco, Italy và châu Âu có thể đóng vai trò lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực với điều kiện có “sự thống nhất, gắn kết và mục tiêu chung”. Ông Visco cho biết toàn cầu hóa là "một quá trình phi thường", tuy nhiên cần những thay đổi rất mạnh mẽ, mang tới cả lợi ích lẫn phí tổn.

Trong số những lợi ích, ông trích dẫn việc các nước mở cửa thị trường và sự đổi mới “phi thường"  trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, đó không phải là một con đường đầy hoa. Ông chỉ ra rằng đã có những biến đổi rất tiêu cực, trong đó khí hậu là một trong những thay đổi rõ ràng nhất có liên quan đến tiến bộ kinh tế. Vì tình trạng ô nhiễm đa phần liên quan đến hoạt động sản xuất sử dụng nhiều năng lượng có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.

Ông nói thêm rằng những thay đổi tiêu cực đã ảnh hưởng đến một bộ phận lớn tầng lớp trung lưu ở các nước tiên tiến, trong khi phần còn lại của thế giới "đã phát triển vượt bậc”. Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy chỉ ra trước đây có khoảng 2 tỷ người sống dưới mức nghèo khổ cùng cực, trong khi ngày nay con số này là 700 triệu người, tức chưa đến 10% dân số toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục