Italy khó tìm được lời giải cho bài toán nợ công

16:05' - 18/05/2020
BNEWS Trong bối cảnh khối nợ khổng lồ của Italy đang phình lên do tác động của đại dịch COVID-19, giới chức Italy kêu gọi người dân chung tay “góp vốn” cho các nỗ lực phục hồi kinh tế.

Nợ công của Italy lâu nay vẫn được xem là "yếu tố bất lợi" cho sự sống còn của khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).

Giới phân tích cho rằng dịch COVID-19 đang làm dấy lên những câu hỏi mới về tính bền vững của khối nợ này. Deutsche Bank mới đây dự đoán tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy sẽ tăng lên hơn 200% vào cuối năm sau, đồng thời cho rằng điều này không thể được xem là “bền vững”.

Trước tình hình đó, một ý tưởng ngày càng phổ biến trong giới chính trị gia và ngân hàng là chia sẻ gánh nặng nợ của Italy nhiều hơn với người dân.

Họ nhìn vào trường hợp của Nhật Bản, quốc gia đang gánh khối nợ công đến gần 240% GDP, nhưng được cho là rất ít có nguy cơ vỡ nợ vì hầu hết số nợ này là nợ trong nước.

Người phụ trách quản lý nợ của Italy Davide Iacovoni mới đây cho biết, trong vài năm tới, Bộ Tài chính nước này đặt mục tiêu tăng gấp đôi mức nợ 80 tỷ euro hiện nay mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước đang nắm giữ. Ngày 18/5, Rome bắt đầu mở bán trái phiếu mới có tên “BTP Italia” nhằm vào đối tượng người tiết kiệm nhỏ.

Nhiều chính trị gia và lãnh đạo trong ngành ngân hàng của Italy còn tỏ ra tham vọng hơn. Lãnh đạo đảng Liên đoàn Matteo Salvini đã đề xuất phát hành 100 tỷ euro trái phiếu dài hạn dành riêng cho các nhà đầu tư trong nước với nhiều ưu đãi thuế đặc biệt.

Trong khi đó, Carlo Messina, người đứng đầu ngân hàng bán lẻ lớn nhất Italy Intesa Sanpaolo, hồi tháng trước kêu gọi phát hành một loại trái phiếu mà ông gọi là “trái phiếu xã hội” dành cho người dân Italy. Bằng cách đưa ra mức lợi nhuận hấp dẫn và miễn giảm thuế, ông cho rằng Rome có thể nâng tỷ lệ nợ do nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ từ dưới 5% lên 10-20%.

Tuy nhiên, nếu không chỉ nhìn vào khối nợ được nắm giữ trực tiếp mà còn cả lượng tiền được đầu tư thông qua các sản phẩm bảo hiểm và quản lý tài sản, thì các hộ gia đình và doanh nghiệp ước đang nắm giữ đến 25% khối nợ của Italy.

Bên cạnh đó, Italy có cơ cấu chính trị và tài chính rất khác với Nhật Bản và dường như không thể đi theo cùng một con đường hướng đến sự “tự cung tự cấp” về vốn.

Hơn 40% nợ công của Nhật Bản do Ngân hàng trung ương nước này sở hữu, điều mà Italy không thể làm được với tư cách là thành viên của Eurozone. Nhật Bản cũng có môi trường đầu tư an toàn hơn nhiều đối với các nhà đầu tư trong nước so với Italy, quốc gia liên tục phải đối mặt với nguy cơ bất ổn chính trị và nguy cơ khủng hoảng nợ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục