Italy kiểm soát chi phí năng lượng và bảo vệ các tài sản quan trọng

16:02' - 19/03/2022
BNEWS Chính phủ Italy hôm 18/3 đã thông qua các biện pháp giúp người tiêu dùng và các công ty đối phó với chi phí năng lượng tăng cao do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra.

Chính phủ Italy hôm 18/3 đã thông qua các biện pháp giúp người tiêu dùng và các công ty đối phó với chi phí năng lượng tăng cao do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra, trong một sắc lệnh có phạm vi rộng, tăng thêm quyền cho chính phủ trong việc bảo vệ các tài sản quan trọng trước sự thâu tóm của các công ty nước ngoài.

 

Gói biện pháp trị giá 4,4 tỷ euro (4,86 tỷ USD) này là động thái mới nhất để hạn chế giá năng lượng và nhiên liệu tăng cao tại Italy.

Nó cũng bổ sung cho gói 16 tỷ euro được xác định trong kế hoạch ngân sách hồi tháng 7/2021 để hỗ trợ giảm hóa đơn tiền điện và khí đốt cho các công ty và hộ gia đình Italy.

Các biện pháp trên sẽ được tài trợ bằng cách đánh thêm thuế đối với lợi nhuận của các công ty năng lượng được hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cao, qua đó sẽ không làm trầm trọng thêm thâm hụt công. Mức thuế này dưới dạng một khoản đóng góp 10% một lần vào tỷ suất lợi nhuận của các công ty năng lượng, vốn đã tăng đáng kể trong sáu tháng qua trên cơ sở so sánh theo năm.

Trong nội dung về vấn đề năng lượng, sắc lệnh còn đưa ra kế hoạch cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và dầu diesel. Điều này sẽ làm giảm giá bán tại trạm xăng khoảng 25 xu mỗi lít cho đến cuối tháng Tư.

Bên cạnh đó, sắc lệnh mới nhất của Chính phủ Italy còn đưa ra một loạt các biện pháp cụ thể để giám sát, ngăn chặn việc tiếp quản cùng các thỏa thuận thương mại về mạng 5G và công nghệ đám mây tại nước này.

Các doanh nghiệp hoạt động trong hai lĩnh vực trên hàng năm sẽ được yêu cầu cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn về các hợp đồng cung ứng và sáp nhập được đề xuất cho các cơ quan có thẩm quyền.

Dự kiến, một cơ quan mới gồm 10 thành viên tại Văn phòng Thủ tướng Italy sẽ chịu trách nhiệm xem xét bất kỳ giao dịch nào có khả năng nhạy cảm.

Kể từ khi công cụ “Quyền lực vàng” (Golden Power) có hiệu lực vào năm 2012, Chính phủ Italy đã sáu lần ngăn chặn các cuộc mua bán của nhà đầu tư nước ngoài. Năm trong số đó là các cuộc đấu thầu từ các công ty Trung Quốc.

Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan công quyền thay thế phần mềm chống virus có liên quan đến Nga, đồng thời cho biết họ đang xem xét các biện pháp chặn xuất khẩu nguyên liệu thô để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi tình trạng thiếu hụt nguồn cung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục