Italy phản đối việc ECB tiếp tục tăng lãi suất

21:20' - 28/06/2023
BNEWS Ngày 28/6, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tuyên bố rằng việc tăng lãi suất có thể gây hại nhiều hơn cả lạm phát cao.

Phát biểu tại Hạ viên Italy trước khi lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh châu Âu tại Brussels trong các ngày 29-30/6, Thủ tướng Meloni nhấn mạnh rằng lạm phát là một loại thuế ẩn phải được đấu tranh kiên quyết, nhưng giải pháp không nên là tăng lãi suất.

 

Bà Meloni nhấn mạnh lạm phát đã quay trở lại tấn công nền kinh tế và ảnh hưởng đặc biệt đến người nghèo. Việc kiên quyết chống lại lạm phát là đúng đắn, nhưng liều thuốc tăng lãi suất đơn giản do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện dường như không phải là con đường đúng đắn.

Giá cả tăng cao không phải là sản phẩm của một nền kinh tế đang tăng trưởng quá nhanh mà là do các yếu tố nội sinh, trước hết là cuộc khủng hoảng năng lượng. Theo bà, không thể bỏ qua nguy cơ việc tăng lãi suất liên tục sẽ là phương thuốc còn gây hại hơn.

Trước đó, ngày 27/6, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cũng cho rằng lãi suất cao khiến nước này có nguy cơ suy thoái, sau khi Chủ tịch ECB Christine Largarde thông báo trước về một đợt tăng lãi suất khác vào tháng Bảy tới.

Phát biểu tại một cuộc họp của liên đoàn quốc gia các công đoàn độc lập ở thủ đô Rome, ông Tajani nói: "Tôi không nghĩ việc tiếp tục tăng lãi suất sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, tôi không đồng ý với những thông báo được đưa ra quá sớm như bà Lagarde đã làm hôm nay. Lạm phát tại châu Âu khác với Mỹ, nguyên nhân là do chi phí nguyên liệu thô tăng do xung đột gây ra. Ngày nay, việc tăng lãi suất đồng nghĩa với việc đẩy các công ty vào tình thế khó khăn. Với tỷ lệ lãi suất quá cao, chúng tôi có nguy cơ rơi vào suy thoái".

Cùng ngày 28/6, Bộ trưởng Kinh tế Italy Giancarlo Giorgetti cho biết, suy thoái kinh tế không chỉ là một rủi ro mà tại Đức, nó đã là một thực tế. Khi trả lời câu hỏi của các phóng viên về đợt tăng lãi suất mới vào tháng Bảy của ECB, Bộ trưởng Giorgetti nhấn mạnh không phải là có nguy cơ suy thoái, mà kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục