IVERIS dự báo triển vọng kinh tế Mỹ và phương Tây

05:30' - 27/12/2018
BNEWS Các số liệu thống kê quan trọng mới được công bố cho thấy triển vọng kinh tế ngắn và trung hạn ngày càng đen tối đối với Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN

Nguy cơ này sẽ ảnh hưởng đến cân bằng địa chính trị của thế giới và có thể dẫn đến các cuộc chiến tranh, đó là nhận định của Tướng Dominique Delaware, trong bài viết đăng trên trang mạng của Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IVERIS).

Số liệu mới nhất, được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 6/12, cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, một lần nữa, đã phá vỡ kỷ lục lịch sử lên tới hơn 43,1 tỷ USD chỉ trong tháng 10. Đây là tháng thứ tư liên tiếp Mỹ vượt kỷ lục thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc.

Điều này cho thấy tất cả các biện pháp mà Mỹ áp dụng trong 10 tháng qua đối với Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt thương mại đã không hiệu quả, ngược lại các biện pháp đối phó của Trung Quốc là đánh thuế sản phẩm của Mỹ hay giảm thuế nhập khẩu từ Mỹ lại đang vận hành tốt. Rõ ràng, Mỹ đang ngày càng thua thiệt, tháng này qua tháng khác, trong cuộc chiến thương mại mà họ khởi xướng với Trung Quốc vào tháng 1/2018.

Điều quan trọng là Mỹ ngày nay phụ thuộc nhiều hơn vào hàng nhập từ Trung Quốc so với Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ. Trung Quốc nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ, bao gồm các sản phẩm khí đốt và dầu, mà họ dễ dàng tìm được nguồn thay thế từ nơi khác với chi phí thấp hơn. Trung Quốc có thể dừng lại khi họ muốn mà không chịu nhiều ảnh hưởng từ hành động này. Đây là những gì Bắc Kinh đã làm trong bốn tháng qua bằng cách giảm 20% nhập khẩu từ Mỹ.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ của Trung Quốc đã giảm từ 11,1 tỷ USD vào tháng 6 vừa qua xuống còn 9,1 tỷ USD vào tháng 10. Các công ty Mỹ trước đây đã dịch chuyển một phần lớn cơ sở sản xuất của họ tới Trung Quốc để "kiếm tiền". Họ không thể chỉ qua một đêm xây dựng lại được các cơ sở sản xuất trên lãnh thổ Mỹ. Điều này cần rất nhiều thời gian.

Tổng thống Trump hiểu rõ tình hình kể từ khi ông tuyên bố vào cuối tháng 11, tại Hội nghị thượng đỉnh G20, về một thỏa thuận “đình chiến” trong cuộc chơi đã làm ông phải trả giá nhiều hơn những lợi ích mang lại cho nước Mỹ. Ông Trump đã hoãn lại ba tháng việc đưa ra mức thuế mới với 25% danh sách dài các sản phẩm của Trung Quốc, một loại thuế được cho là giúp làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Về phần mình, Trung Quốc lại đang ngày càng đa dạng hóa các đối tác thương mại và tiếp tục tăng cường trao đổi với phần còn lại của thế giới thông qua công cụ mới với tên gọi sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) giúp thúc đẩy giao dịch đa hướng.

Một vấn đề khác của nước Mỹ, đó là số tiền và bản chất không kiểm soát được của khối nợ công sẽ tiếp tục tăng lên 22.000 tỷ USD vào cuối năm (chiếm 107% đến 108% tổng sản phẩm quốc nội - GDP). Điều này trở nên ngày càng đáng lo ngại và không củng cố niềm tin vào đồng USD, vốn đang chiếm giữ vai trò đơn vị tiền tệ thế giới. Nợ của Mỹ đã trở thành một loại tài sản rủi ro. Để có thể vay thêm, cơ quan tài chính Mỹ phải tăng lãi suất, làm bùng nổ số tiền lãi mà nước này phải trả hàng năm cho các đối tượng sở hữu nợ, như vào năm 2018 con số này lên tới 333 tỷ USD (gấp 10 lần ngân sách quốc phòng của nước Pháp).

Ngoài các khoản nợ liên bang kể trên, còn phải kể thêm các khoản nợ của mỗi bang trên tổng số 50 bang, khoản nợ của các quận, của các thành phố và đặc biệt là các khoản nợ của các cá nhân. Con số tích lũy của các khoản nợ này của Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào hiện nay là 72.000 tỷ USD, tương đương 86% GDP thế giới và 3,5 lần GDP của Mỹ. Nói tóm lại, hoạt động của đất nước đang nằm trên một đại dương nợ nần. Tốc độ tăng của các khoản nợ này, hiện vượt quá tầm kiểm soát, là hạt giống của sự sụp đổ của "lâu đài nợ và USD ảo" mà thế giới chưa từng biết đến.

Trong khoản nợ liên bang trị giá 22.000 tỷ USD, 72% được sở hữu bởi chính người Mỹ, 28% còn lại do nước ngoài nắm giữ (6.200 tỷ USD). Hơn một phần ba số nợ nước ngoài do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, chủ yếu là từ Trung Quốc, Đặc khu hành chính Hong Kong và Nhật Bản. Cho đến gần đây, nhiều quốc gia vẫn là người mua nợ này trên thị trường, chủ yếu vì lãi suất hấp dẫn. Số liệu mới nhất do Bộ Tài chính Mỹ công bố cho thấy các quốc gia nước ngoài nắm giữ nợ của Mỹ đã giảm mức mua sản phẩm rủi ro này xuống 63 tỷ USD chỉ trong tháng 9.

Một làn sóng bán tháo diễn ra diện rộng và trong một khoảng thời gian ngắn như vậy là chưa từng thấy trong quá khứ. Điều này cho thấy một cuộc khủng hoảng niềm tin vào đồng USD và nền kinh tế Mỹ. Nó cũng phản ánh thực tế là ngày càng nhiều quốc gia không đánh giá cao việc đồng USD được sử dụng làm vũ khí phục vụ chính sách đối ngoại của Mỹ và nó cho phép Washington áp đặt chính sách của họ đối với phần còn lại của thế giới.

Với khoản nợ liên bang của Mỹ tiếp tục tăng thêm 3 tỷ USD mỗi ngày và nước ngoài đang có xu hướng bán ra sản phẩm rủi ro này, phần do chính người Mỹ nắm giữ (72%) đang tăng lên từng ngày. Do đó, công dân Mỹ sẽ trở thành những nạn nhân đầu tiên một khi sự sụp đổ diễn ra.

Số lượng nạn nhân sẽ còn gia tăng chóng mặt vì một phần lớn của các khoản nợ do các thể chế khổng lồ của Mỹ nắm giữ thực ra là tiền của các tổ chức về an sinh xã hội, bảo hiểm y tế và các quỹ hưu trí, họ đã đặt cược những khoản tiền đóng góp từ các thành viên của mình vào loại tài sản rủi ro này vì khoản lãi suất hứa hẹn. Bên cạnh đó, giới ngân hàng Mỹ cũng sở hữu không ít nợ công, và như vậy họ đã đặt tiền tiết kiệm của khách hàng vào những khoản nợ xấu vì các lý do tương tự.

Theo tác giả bài viết, ông không đồng tình với quan điểm của những người liên tục gợi lên nguy cơ chiến tranh hạt nhân giữa các ông lớn (Mỹ, Nga, Trung Quốc). Trong ngắn hạn hay trung hạn, bởi vì không có nhà nước nào thực sự khao khát "sự hủy diệt lẫn nhau " và ngày nay không có chính quyền nào chắc chắn sẽ chiến thắng trong loại chiến tranh này nếu họ dám khởi xướng và đặc biệt là khả năng sẵn sàng chấp nhận những thiệt hại vô cùng to lớn do sự đáp trả sau màn tấn công phủ đầu.

Mặt khác, tác giả dự đoán một cuộc nội chiến thực sự ngày nay là hoàn toàn có thể xảy ra ở Mỹ, khi xuất hiện khủng hoảng nợ và khủng hoảng đồng USD. Cuộc khủng hoảng này rõ ràng sẽ có hậu quả toàn cầu, giống như năm 1929, nhưng thậm chí còn tệ hơn. Và nếu khủng hoảng xảy ra, châu Âu sẽ bị ảnh hưởng, như các năm 1929 và 2008. Những khó khăn về kinh tế và xã hội rất nghiêm trọng sẽ xảy ra trong một Liên minh châu Âu đã bị chia rẽ sâu sắc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục