Nhìn nhận lại hiện trạng mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc

06:30' - 26/12/2018
BNEWS Vụ bà Mạnh Vãn Chu -CFO của tập đoàn công nghệ Huawei - bị bắt giữ tại Canada đã làm tan vỡ chính sách Trung Quốc của Chính phủ Trudeau, đồng thời nhấn chìm chính sách đối với Canada của Bắc Kinh.
Biểu tượng Huawei tại văn phòng ở Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: TTXVN phát 

Theo bài viết trên tờ Globe and Mail, mối quan hệ Canada-Trung Quốc trong vài tuần qua khá căng thẳng, mà nguyên nhân xuất phát từ cái tên Mạnh Vãn Chu, người bị bắt giữ tại Vancouver (Canada) ngày 1/12 theo yêu cầu của Mỹ.

Tại phiên tòa diễn ra ở Vancouver ngày 7/12, bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc nhiều tội danh gian lận, trong đó có gian lận nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. CFO của Huawei có thể sẽ phải chịu mức án tù cao nhất là 30 năm với cáo buộc trên.

Sau đó, tòa án tỉnh British Columbia của Canada ngày 11/12 đã cho phép bà Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh tại ngoại với số tiền lên đến 10 triệu CAD (tương đương 7,5 triệu USD) và một số điều kiện khác, như phải đeo vòng giám sát và ở nhà trong khoảng thời gian từ 23h hôm trước đến 6h hôm sau.

Theo các điều khoản của hiệp ước dẫn độ giữa Mỹ và Canada, Mỹ có 60 ngày kể từ ngày bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ để đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức. Vụ việc liên quan đến vị CFO này được giới quan sát dự báo có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.

Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đã trả đũa Ottawa bằng việc bắt giữ hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nhấn mạnh hành động này của Bắc Kinh là "không thể chấp nhận được".

Cuộc khủng hoảng ngoại giao này đã xua tan mọi ảo tưởng ở hai bờ Thái Bình Dương. Theo giới chuyên gia Canada, vấn đề bây giờ không phải là từ chối giao thương với Trung Quốc, đóng cửa biên giới với du khách, sinh viên và người nhập cư, hay coi Trung Quốc là kẻ thù.

Vấn đề bây giờ là duy trì các mối quan hệ cùng có lợi với Trung Quốc, xác định Trung Quốc là nước như thế nào? Và Canada đang đứng ở đâu?

Dư luận Canada nhận định việc Bắc Kinh bắt giữ 2 công dân Canada làm “con tin” là để Ottawa phải nhượng bộ, với cái giá là Ottawa không thực hiện hiệp ước dẫn độ với Mỹ và chính phủ phải can thiệp vào hệ thống tòa án.

Tuy nhiên, tại một đất nước thượng tôn pháp luật như Canada, Thủ tướng Justin Trudeau và nội các của ông không có quyền ra lệnh cho tòa án tỉnh British Columbia ngay lập tức thả một ai đó. Trong khi đó, có thể Trung Quốc nghĩ rằng nước này có khả năng đe dọa để Canada phá vỡ mối quan hệ với Mỹ - quốc gia láng giềng gần gũi, đối tác thương mại chủ chốt, đồng minh chính của Canada. Tờ Globe and Mail cho rằng Canada không thể vi phạm hiệp ước dẫn độ với Mỹ để nhượng bộ Trung Quốc.

Theo giới quan sát, những diễn biến xung quanh vụ Huawei đã phần nào giải thích lý do tại sao Canada không nên ký một hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc. Nó cũng giải thích lý do Canada không thể ký một hiệp ước đầu tư dỡ bỏ sự kiểm soát đối với luồng vốn từ một quốc gia, nơi ranh giới giữa chính phủ và doanh nghiệp rất mờ nhạt, thậm chí là không tồn tại.

Và đấy cũng là lý do tại sao Canada không thể “phớt lờ” nguy cơ tấn công mạng và hoạt động gián điệp công nghiệp của Trung Quốc. Đặc biệt, mặc dù Ottawa mong muốn phát triển quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhưng hoạt động giao thương phải công bằng: Trung Quốc không thể tận dụng “nhà nước pháp trị” tại Canada trong khi lại tước đi quyền của các doanh nghiệp Canada tại Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ hai của Canada. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn từ tháng 1-10/2018, giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 345,2 tỷ NDT (49,65 tỷ USD).

Tự do thông tin hay bảo vệ bản quyền trí tuệ vốn là những giá trị cơ bản trong xã hội Canana. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những giá trị này đôi khi xung đột với những ưu tiên chính trị tại Trung Quốc. Tháng 4/2018, Trung Quốc đã từ chối một thỏa thuận thương mại tự do với Canada do Bắc Kinh đánh giá một số chi tiết trong thỏa thuận là can thiệp vào công việc nội bộ tại Trung Quốc.

Canada và Trung Quốc đã hoàn tất bốn vòng đàm phán mang tính thăm dò để hướng tới một thỏa thuận thương mại tự do hoàn thiện, nhưng hai bên vẫn chưa tiến hành đàm phán chính thức. Bắc Kinh không đồng thuận với những điều khoản mà Ottawa đề xuất liên quan tới lao động, kinh tế và môi trường.

Tờ Globe and Mail cho rằng trong bối cảnh hiện nay, mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc cần phải được “thay mới” theo hướng “bớt mộng tưởng” hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục