Jakarta lo ngại về tác động kinh tế từ dự án dời thủ đô

08:43' - 21/01/2022
BNEWS Tác động kinh tế từ dự án di chuyển thủ đô đến Jakarta bao gồm sự sụt giảm chi tiêu của bộ máy nhà nước (ASN) và chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình, kéo theo “hiệu ứng domino”.
Chủ tịch Ủy ban A (phụ trách lĩnh vực chính phủ) thuộc Hội đồng lập pháp Jakarta Mujiyono cho rằng, việc di chuyển thủ đô từ Jakarta đến tỉnh Đông Kalimantan sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế của “cố đô” này.

Tuy nhiên, chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ tin rằng các vấn đề khác liên quan đến đại đô thị hơn 10 triệu dân này - như tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí và khủng hoảng nước - vẫn sẽ tiếp tục tồn tại do chính phủ trung ương chỉ chiếm 10% hoạt động của Jakarta.

Theo ông Mujiyono, tác động kinh tế từ dự án di chuyển thủ đô đến Jakarta bao gồm sự sụt giảm chi tiêu của bộ máy nhà nước (ASN) và chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình, kéo theo “hiệu ứng domino”.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, ông Mujiyono cho rằng việc chuyển thủ đô sẽ tự động làm giảm chi tiêu của ASN và chi tiêu hộ gia đình, qua đó giảm nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ tại Jakarta.

Cụ thể, chi tiêu của Chính phủ tại Jakarta sẽ sụt giảm trong các lĩnh vực dịch vụ, khách sạn, ăn uống và sản xuất. Đây là các lĩnh vực hỗ trợ hoạt động của Chính phủ. Các thành phố vệ tinh của Jakarta như Bogor, Depok, Tangerang và Bekasi cũng sẽ bị ảnh hưởng từ việc di chuyển thủ đô.

 
Ông Mujiyono cho hay: “Nguồn cung lao động và hàng hóa cho Jakarta hiện có nguồn gốc từ một số tỉnh trên các đảo Java và Sumatra. Việc di dời thủ đô chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các địa phương này”.

Trước đó ngày 18/1, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani thông báo Quốc hội nước này đã thông qua dự luật chuyển thủ đô từ Jakarta sang tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo.

Luật về thủ đô mới sẽ quy định cách thức quản lý và cấp ngân sách nhằm phát triển thủ đô mới. Đây sẽ là khung pháp lý để Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) thực hiện hóa kế hoạch chuyển thủ đô đầy tham vọng.

Chính phủ Indonesia lần đầu tiên công bố kế hoạch chuyển thủ đô khỏi đảo Java đông dân nhất đất nước vào tháng 4/2019. Vài tháng sau đó, Tổng thống Jokowi công bố hai huyện Bắc Penajam Paser và Kutai Kertanegara thuộc tỉnh Đông Kalimantan được lựa chọn là địa điểm đặt thủ đô mới của nước này.

Thủ đô mới sẽ đóng vai trò là trung tâm hành chính của Indonesia, trong khi Jakarta - thủ đô hiện tại và là nơi sinh sống của hơn 10 triệu dân - sẽ vẫn là trung tâm kinh tế và tài chính của Indonesia

Việc khởi công dự án xây dựng trị giá hàng chục tỷ USD này ban đầu dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 8/2020. Nhưng đại dịch COVID-19 đã buộc chính phủ phải tạm dừng kế hoạch này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục