JICA và nhiều hoạt động tại Việt Nam trong năm tài khóa

15:26' - 19/06/2021
BNEWS Ngày 31/3/2021 đã đánh dấu kết thúc năm tài khóa 2020, ghi nhận những thành tích trong hoạt động của JICA tại Việt Nam.

Kế thừa những kết quả đã đạt được và nhằm hỗ trợ tiến trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo phương châm của Chính phủ Việt Nam là "cân bằng giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế", trong năm tài khóa 2021, JICA tại Việt Nam sẽ tập trung vào các lĩnh vực như y tế, đầu tư công và phát triển nguồn nhân lực.

Điểm lại những thành tích nổi bật trong năm tài khóa 2020, ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho hay, năm 2020, thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có do dịch bệnh COVID-19.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới tăng trưởng âm thì Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 2,91%, cao nhất trong các nước thuộc Đông Nam Á nhờ nỗ lực của Chính phủ và toàn dân trong ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Theo ông Shimizu, tháng 10/2020, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã thăm chính thức Việt Nam, đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng sau khi nhậm chức.

Chuyến thăm đã củng cố hơn nữa mối quan hệ tin cậy giữa hai nước và khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng trong hiện thực hóa một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Trong giai đoạn này, các hoạt động của JICA cũng đã có những chuyển biến mới. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các tình nguyện viên JICA đang hoạt động tại Việt Nam đã phải tạm trở về Nhật Bản.

Song Việt Nam cũng là nước đầu tiên trên thế giới được JICA đưa tình nguyện viên quay trở lại. Hai hiệp định vốn vay ODA được ký kết sau gần 3 năm không có hiệp định mới và JICA đã bắt đầu triển khai dự án hợp tác kỹ thuật thúc đẩy tăng cường tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Hiện nay, một số dự án có sự tham gia của JICA đang được triển khai và có những chuyển biến tích cực, như cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 Hà Nội đã thông xe, các đoàn tàu metro đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh Tuyến số 1 cũng đã được vận chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam...

Bước sang năm 2021, cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng phức tạp. Việt Nam cũng nằm trong vòng xoáy khó khăn chung của thế giới trong phòng chống dịch, dù trước đó Việt Nam đã rất thành công trong ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 nhờ thay đổi hành vi của người dân và hạn chế di chuyển.

Ông Shimizu bày tỏ hy vọng, việc tiêm chủng vaccine sẽ sớm được phân phối công bằng và kịp thời trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam trong thời gian tới.

Nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam, JICA sẽ tập trung hỗ trợ và hợp tác với phía Việt Nam trong các lĩnh vực như y tế, đầu tư công và phát triển nguồn nhân lực.

Cụ thể, trong nhiều năm qua, Việt Nam là 1 trong những quốc gia mà JICA hợp tác thành công nhất trong lĩnh vực y tế.

Báo cáo từ tổ chức này cho thấy, JICA đã hỗ trợ Việt Nam trong hai dự án ưu tiên trọng điểm là tăng cường hệ thống y tế nòng cốt cho các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và tăng cường các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm.

JICA cũng đã hỗ trợ tăng cường hệ thống xét nghiệm cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh… đồng thời, viện trợ sinh phẩm và các thiết bị y tế như máy ECMO, hỗ trợ in sổ tay Quy trình thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn để phục vụ cho các nhu cầu cấp thiết trong phòng chống dịch COVID-19.

Trong lĩnh vực đầu tư công, JICA đã hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, coi đây là một biện pháp kích thích nền kinh tế phát triển.

Việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội không những mang lại cuộc sống thuận tiện hơn cho người dân, mà còn góp phần tăng thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng mở rộng đầu tư, chuyển dịch về các thành phố trực thuộc tỉnh và các địa phương khác, đặc biệt, khi Việt Nam chủ trương đa dạng hóa chuỗi cung ứng thì việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội tại các tỉnh và địa phương trở thành nhiệm vụ rất quan trọng.

Nhiều công trình, dự án đã được hoàn thành như cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cùng nhiều cảng quốc tế khác, nhiều nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống đường sắt... hay như dự án tín dụng ngành giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ hai; dự án xây dựng đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (Tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên) và dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng quốc tế Lạch Huyện.

Riêng việc hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, trước mong muốn của Việt Nam là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu ngành có giá trị gia tăng cao, JICA Việt Nam đã hỗ trợ một số dự án tại trường Đại học Công nghiệp, dự án tại Viện phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC), dự án tại Đại học Cần Thơ nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long... hay phối hợp cùng một số địa phương tổ chức các khóa học liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.

Đến nay, đã có hàng nghìn thanh niên, sinh viên Việt Nam tham gia các chương trình giao lưu, đào tạo và du học tại Nhật Bản.

Sau khi trở về nước, họ đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản trong tương lai khi dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn biến khó lường, ông Shimizu cho biết.

Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam. Hướng tới sự kiện này, JICA sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên cả hai phương diện phần cứng là xây dựng cơ sở vật chất và phần mềm là hợp tác kỹ thuật; đồng thời, xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi và cùng phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục