Kế hoạch áp thuế toàn cầu với giới tỷ phú, "đại gia" công nghệ gặp thêm trở ngại

07:25' - 21/04/2025
BNEWS Các kế hoạch đánh thuế toàn cầu nhắm vào giới tỷ phú và các tập đoàn đa quốc gia đang đối mặt với trở ngại lớn, chủ yếu do Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cản trở các nỗ lực cải cách.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Chính quyền ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận quốc tế về thuế doanh nghiệp đa quốc gia, đồng thời đe dọa áp thuế quan lên các quốc gia có động thái nhắm vào những tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ. 

Trước đó, nhiều nước cáo buộc các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Amazon, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Meta (công ty mẹ của Facebook) né tránh nghĩa vụ thuế tại địa phương.

Nhưng vào ngày 21/2, Tổng thống Trump đưa ra cảnh báo đối với các quốc gia áp dụng thuế hoặc hình phạt "mang tính phân biệt đối xử, không cân xứng" nhắm vào các công ty công nghệ lớn và doanh nghiệp khác của Mỹ. Ông tuyên bố chính quyền của mình sẽ hành động, áp đặt thuế quan và các biện pháp đáp trả cần thiết khác để giảm thiểu thiệt hại cho Mỹ.

 

Động thái này khơi lại căng thẳng giữa Washington và các đồng minh về vấn đề thuế dịch vụ kỹ thuật số. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng đe dọa áp thuế lên rượu sâm panh và pho mát Pháp sau khi nước này triển khai thuế dịch vụ kỹ thuật số vào năm 2019. Loại thuế này đã mang về 780 triệu euro (887 triệu USD) cho ngân sách Pháp vào năm ngoái. Bảy quốc gia khác cũng đã áp dụng biện pháp tương tự Pháp.

Hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) đe dọa sẽ áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số nếu các cuộc đàm phán liên quan đến kế hoạch áp thuế 20% lên hàng hóa EU thất bại.

Trong khi đó, với hy vọng đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, Vương quốc Anh đã phát tín hiệu có thể xem xét lại việc áp dụng thuế kỹ thuật số. Bộ trưởng Thương mại Anh Jonathan Reynolds cho biết loại thuế này không phải là "thứ không bao giờ có thể thay đổi hay thảo luận".

Về vấn đề thuế doanh nghiệp toàn cầu, đã gần 140 quốc gia đã đạt được thỏa thuận về khoản thuế này dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hồi năm 2021.

Thỏa thuận OECD bao gồm hai trụ cột. Trụ cột thứ nhất đề xuất đánh thuế các công ty tại quốc gia nơi họ tạo ra lợi nhuận, nhằm hạn chế hành vi trốn thuế và chủ yếu nhắm vào các "gã khổng lồ" công nghệ.

Trụ cột thứ hai thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%. Khoảng 60 nền kinh tế đã thông qua trụ cột này, bao gồm Brazil (Bra-xin), Anh, Canada (Ca-na-đa), EU, Thụy Sỹ và Nhật Bản.

Ông Daniel Bunn, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu chính sách Tax Foundation tại Mỹ, nhận định các cuộc đàm phán về việc thực thi trụ cột thứ nhất "đã bị đình trệ một thời gian", ngay cả dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Nhà kinh tế học người Pháp-Mỹ Gabriel Zucman nói rằng phản ứng của EU trong những tuần tới "sẽ rất quan trọng". Ông cảnh báo nếu EU và các quốc gia khác nhượng bộ và  cho phép các tập đoàn đa quốc gia Mỹ được miễn trừ, điều đó không may sẽ đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận rất quan trọng này.

Các nỗ lực nhằm đánh thuế giới siêu giàu trên thế giới cũng đang chững lại.

Trong vai trò chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Brazil (Bra-xin) đã thúc đẩy kế hoạch áp thuế tối thiểu 2% trên giá trị tài sản ròng của các cá nhân sở hữu trên 1 tỷ USD. Dự kiến kế hoạch này có thể huy động tới 250 tỷ USD mỗi năm.

Chính quyền cựu Tổng thống Biden đã tỏ ra do dự với kế hoạch này. Và nó càng khó có khả năng nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Trump - một tỷ phú và là người ủng hộ việc cắt giảm thuế. Theo số liệu từ tạp chí Forbes, khoảng 30% số tỷ phú trên thế giới đến từ Mỹ.

Tại một hội nghị gần đây ở Paris, nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty cho rằng thế giới không thể chờ đợi sự đồng thuận của toàn bộ G20. Ông nhấn mạnh các quốc gia riêng lẻ cần hành động sớm nhất có thể. Bởi lịch sử cho thấy khi một vài quốc gia - đặc biệt là các nước lớn - áp dụng một loại cải cách nhất định, nó có xu hướng trở thành một tiêu chuẩn mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục