Kế hoạch nhập cư của EU đứng trước thách thức khổng lồ

07:01' - 21/03/2016
BNEWS Bằng việc trả lại hàng nghìn người di cư về Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà lãnh đạo EU hy vọng rằng người di cư sẽ từ bỏ tuyến đường này để tham gia một hệ thống nhập cư chính thức. Nhưng....

Nhưng việc thực hiện kế hoạch hồi hương đó lại làm nảy sinh một bài toán hành chính khổng lồ, với quá ít thời gian chuẩn bị. 

Mới đây, theo bình luận của tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), kế hoạch nhập cư mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) thoạt nhìn giống như một giải pháp thẳng thừng để giải quyết cuộc khủng hoảng vốn làm "điên đầu" các nhà lãnh đạo châu Âu nhiều tháng nay, nhưng trên thực tế, kế hoạch này đang vấp phải những thách thức khổng lồ.

Nếu thực hiện kế hoạch nhập cư của EU thì Hy Lạp sẽ trở thành nước đóng vai trò trung tâm. Ảnh minh họa: TTXVN

Một trong những quốc gia yếu nhất của EU là Hy Lạp sẽ phải đóng vai trò trung tâm, điều mà chính Phó Chủ tịch Hội đồng châu Âu Frans Timmermans cũng phải thừa nhận là một vấn đề cực kỳ phức tạp cả về mặt pháp lý lẫn hậu cần.

Thứ nhất, kế hoạch hồi hương người di cư này của EU vi phạm luật pháp Hy Lạp. Để giải quyết vấn đề này, Hy Lạp sẽ phải sửa đổi luật tị nạn trong một vài ngày để có thể tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một "nước thứ ba an toàn" để tiếp nhận người tìm kiếm tị nạn.

Bước tiếp theo khó khăn hơn là giải tỏa các tụ điểm người nhập cư. Hiện có khoảng 8.000 người nhập cư trên các đảo của Hy Lạp như Lesbos và Chios.

Các quan chức nói rằng lý tưởng nhất là những người này được di rời đi trước "Ngày X" - có thể ngay ngày 18/3 - khi chính sách trả người di cư về Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu được thực hiện. Tuy vậy, các cơ sở chứa người nhập cư của Hy Lạp đang quá tải.

Trong đất liền, Hy Lạp có gần 40.000 người nhập cư đang chen chúc nhau. Việc để lẫn nhóm đang bị ách lại ở Hy Lạp chờ được tái định cư tại châu Âu với nhóm người sẽ bị gửi trở lại Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến tình hình thêm tồi tệ. 

Năm 2011, Tòa án Nhân quyền châu Âu đã từng cấm các nước thành viên EU khác gửi người tìm cách tị nạn tới Hy Lạp sau khi đánh giá hệ thống tị nạn của Ankara là "không thể chấp nhận được", "xuống cấp" và "mất vệ sinh".

Mặc dù vậy, nay chính hệ thống bị chê bai này sẽ là điểm tựa cho thỏa thuận giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ.

Hy Lạp sẽ là nơi hàng nghìn người tìm cách tị nạn đặt chân đến, chờ đợi được giải quyết tái định cư hoặc bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ. Việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có thêm nhân lực, từ thẩm phán cho tới đội ngũ phiên dịch tiếng Arập hoặc tiếng Pashto.

Một quan chức EU tham gia quá trình chuẩn bị này cho biết họ quá thiếu người.

Theo kế hoạch của EU, mỗi đơn xin tị nạn sẽ mất một tuần để xử lý nhưng tiến trình này có thể kéo dài hơn bởi các thủ tục pháp lý phức tạp. Ảnh minh họa: TTXVN

Cái được gọi là "các điểm nóng" ở Hy Lạp được hứa hẹn lần đầu tiên hồi tháng 9/2015. Tuy nhiên, việc đăng ký và các trung tâm phân loại mới đang hình thành.

Theo Hội đồng châu Âu, các trung tâm này có thể chứa khoảng 8.050 người nhưng vai trò của các trung tâm đó sắp thay đổi mạnh. Để chính sách hồi hương hoạt động hiệu quả, "các điểm nóng" sẽ không chỉ đơn giản là ghi tên người nhập cư mà còn phải lưu giữ họ.

Theo kế hoạch của EU, các trung tâm này sẽ trở thành các cơ sở giam giữ mà tại đó những người nhập cư trong diện bị trả về sẽ không thể trốn thoát. Điều này đòi hỏi phải có thêm lực lượng bảo vệ, các nhà trọ qua đêm với hàng rào bao quanh. Đây sẽ là một thách thức khủng khiếp.

Khảo sát của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đối với người tị nạn Syria hồi tháng 2 vừa qua cho thấy một nửa trong số đó là trẻ em. Một số trường hợp bị giam chờ trả về có thể sẽ tìm mọi cách bỏ trốn hoặc nổi loạn và nguy cơ bất ổn tại các trung tâm này là rất cao.

Mặc dù các biện pháp bảo vệ pháp lý lớn hơn đã được đưa ra gần đây đối với cộng đồng 2,5 triệu người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vẫn cần phải có những thay đổi pháp luật khác nữa. Thổ Nhĩ Kỳ phải củng cố quyền lợi của người Syria - những người đang được "bảo vệ tạm thời" thay vì địa vị tị nạn - và đảm bảo quyền lợi của những người Syria phải hồi hương vì trước đó chưa đăng ký tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là những người không phải người Syria cũng phải được bảo vệ một cách thực tế và kịp thời. Nếu thông qua bộ luật mà họ đã chống lại suốt nhiều năm qua này thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải đối mặt với một thách thức hành chính.

Đó là việc hiện có ít nhất 140.000 đơn xin tị nạn chờ được xử lý tại Thổ Nhĩ Kỳ và một số quan chức EU thừa nhận rằng con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Năm 2014, chỉ có 3.000 đơn xin tị nạn nhận được câu trả lời.

Cuối cùng, đó là vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải làm gì với những người bị trả lại không phải người Syria. Ankara hiện mới chỉ bắt đầu quá trình thương lượng với 14 nước khác có nguồn di cư bất hợp pháp điển hình, bao gồm cả Iran, Afghanistan và Eritrea.

Tái định cư người tị nạn trực tiếp từ Thổ Nhĩ Kỳ tới EU sẽ tạo ra một vài hình ảnh hạnh phúc từ thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ.

Dưới sự bảo trợ của UNHCR, hàng nghìn người tị nạn sẽ có thể bắt đầu một cuộc sống mới ở châu Âu. Nhưng cho đến nay, mới chỉ có hơn 4.000 trong số 22.000 trường hợp được hoàn tất thủ tục tái định cư theo một cơ chế đạt được hồi mùa Hè năm ngoái.

Tuy vậy, để ép châu Âu tiếp nhận thêm người tị nạn, một số quan chức EU nghi ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chẳng rốt ráo gì trong việc ngăn chặn hoàn toàn dòng người di cư đổ tới các đảo của Hy Lạp. Vì lý do này, các quan chức EU muốn có điều khoản 1 đổi 1 tạm thời.

Nhưng để làm được điều đó thì phải thay hệ thống bằng một chương trình tái định cư diện rộng từ Thổ Nhĩ Kỳ - điều mà cho đến nay các nước thành viên EU chưa đạt được sự nhất trí./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục