Kế hoạch tái chế vàng của Ấn Độ đứng trước nguy cơ phá sản

14:48' - 14/03/2017
BNEWS Kế hoạch đầy tham vọng của Ấn Độ nhằm tái chế hàng ngàn tấn vàng "nhàn rỗi" đã có dấu hiệu thất bại do những quan ngại về chi phí thực hiện cao mà kết quả không mấy khả quan.
Kế hoạch tái chế vàng của Ấn Độ đứng trước nguy cơ phá sản. Ảnh: EPA

Đây là cú đòn giáng vào những hy vọng của chính phủ nhằm cắt giảm lượng vàng nhập khẩu.

Sau 16 tháng thực hiện, chính phủ chỉ thu về hơn 7 tấn vàng trong tổng số 24.000 tấn vàng được cho là đang nằm trong dân. 7 tấn vàng nói trên hầu hết là đến từ các ngôi đền, trong khi các hộ gia đình vốn nắm giữ khoảng 80% lượng vàng nhàn rỗi thì phần lớn lại tỏ ra lảng tránh chương trình này của chính phủ.

Kế hoạch này hy vọng người nắm giữ vàng nhàn rỗi sẽ gửi vàng vào ngân hàng để lấy lãi hoặc bán lại và nhận tiền mặt. Chính phủ sau đó sẽ nung chảy lượng vàng này và bán đấu giá hoặc cho thợ kim hoàn thuê nhằm giảm bớt nhu cầu nhập khẩu.

Tuy nhiên, cũng theo kế hoạch này, những người nắm giữ vàng sẽ phải chịu chi phí kiểm tra độ tinh khiết và nung chảy vàng, trong khi lãi suất được đưa ra chỉ 2,5%, thấp hơn nhiều so với mức lãi suất 7% nếu gửi tiền mặt vào ngân hàng.

Kể cả khi người dân nắm giữ vàng sẵn lòng tham gia vào kế hoạch trên của chính phủ thì vẫn còn những trở ngại khác đến từ phía ngân hàng. Theo cuộc khảo sát của hãng tin Anh Reuters, nhiều ngân hàng cho biết họ không thể chấp nhận vàng theo kế hoạch này vì họ chưa nhận được chỉ đạo từ trụ trở chính.

Một quan chức cấp cao của Hiệp hội ngân hàng Ấn Độ cho biết kế hoạch hiện tại của chính phủ đem đến rất ít hoặc thậm chí là không mang lại lợi nhuận cho các ngân hàng. Theo báo cáo mới đây của Trung tâm chính sách vàng Ấn Độ, giới ngân hàng còn lo ngại rằng các điều khoản cho phép gửi vàng ở ngân hàng tới 15 năm sẽ gây ra những rủi ro về thanh khoản và tiền tệ.

Kế hoạch trên đã được Thủ tướng Narendra Modi phát động hồi tháng 11/2015 trong nỗ lực nhằm chấm dứt việc chi hàng tỷ USD vào mặt hàng không thuộc dạng thiết yếu nhưng chiếm đến 27% thâm hụt thương mại của Ấn Độ trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2016.

Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vàng đứng hàng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, với khoảng 800 tấn vàng nhập khẩu mỗi năm.

>>> Giá vàng hôm nay 14/3: Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được nới rộng

>>> Giá vàng được dự đoán tăng trong ngắn hạn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục