Kế hoạch tăng lương tối thiểu sẽ tác động thế nào đến việc làm tại Đức?

08:15' - 23/01/2022
BNEWS Việc tăng mức lương tối thiểu của Đức từ 9,82 euro/giờ hiện nay lên 12 euro/giờ là một trong những lời cam kết quan trọng của Thủ tướng Olaf Scholz trong giai đoạn tranh cử.
Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil khẳng định kế hoạch nâng mức lương tối thiểu lên 12 euro (13,61 USD) mỗi giờ từ tháng 10/2022 của nước này sẽ giúp tăng lượng hơn 6 triệu lao động trên khắp đất nước và không gây ra tình trạng mất việc làm - trái ngược với những chỉ trích của phía phản đối.

Việc tăng mức lương tối thiểu của Đức từ 9,82 euro/giờ hiện nay lên 12 euro/giờ là một trong những lời cam kết quan trọng của Thủ tướng Olaf Scholz trong giai đoạn tranh cử.

 
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Heil nói rằng việc tăng mức lương tối thiểu sẽ củng cố sức mua và giúp nền kinh tế quốc gia Đức thực sự năng suất hơn trong dài hạn.

Ông nói rằng chính sách đó sẽ không dân tới tình trạng người lao động bị mất việc hàng loạt, đồng thời nhấn mạnh những viễn cảnh về “ngày tận thế” này đã tồn tại ngay từ khi khái niệm mức lương tối thiểu được đưa ra.

Bộ trưởng cũng cho biết, sự thay đổi sẽ khiến các nhà tuyển dụng mất 1,63 tỷ euro trong giai đoạn tháng 10-12/2022, nhưng sẽ mang lại lợi ích cho người lao động, đặc biệt là đối với những người ở miền Đông nước Đức và phụ nữ làm việc trong các ngành dịch vụ nơi mức lương truyền thống thường quá thấp.

Bộ trưởng Heil xác nhận rằng ông đã gửi dự luật của mình cho những người còn lại trong Nội các vào ngày 21/1. Dự kiến các đảng liên minh sẽ không phản đối dự luật này.

Ông cho hay các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ thảo luận về vấn đề trên trong cuộc họp Nội các liên bang vào tháng Hai. Sau đó, dự luật sẽ được đưa ra trước Hạ viện Đức để mức lương tối thiểu có thể được nâng lên 12 euro/giờ vào ngày 1/10.

Số liệu sơ bộ mới nhất do Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2021 tăng 2,7% so với năm trước đó.

Bất chấp đại dịch vẫn lây lan mạnh, sự tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu và tắc nghẽn trong khâu giao hàng, nền kinh tế Đức đã phục hồi sau đợt suy thoái mạnh trong năm 2020, khi chứng kiến GDP của Đức giảm 4,6%. Mặc dù vậy, tăng trưởng GDP của Đức trong năm ngoái vẫn thấp hơn so với kỳ vọng và chưa đạt mức trước khủng hoảng.

Theo những dự báo mới nhất, tăng trưởng của nền kinh tế đầu tầu châu Âu sẽ ở mức 3,5% đến 4% trong năm 2022, thấp hơn so với những dự báo trước đó./.

>>>Hỗ trợ lương cho người phải cách ly vì nhiễm COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục