Kéo dài chu kỳ tăng trưởng ngành cá tra - Bài 1: Vực dậy sau “ngủ đông”

13:57' - 14/03/2022
BNEWS Nhiều người nuôi đã dần tìm lại được lợi nhuận sau hơn hai năm lao đao. Giá cá tăng, thị trường xuất khẩu rộng mở còn là niềm hân hoan của các doanh nghiệp cá tra.

 

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, ngành cá tra Việt Nam được nhận định có nhiều tín hiệu vui và bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Đáng chú ý, việc giá cá tăng, xuất khẩu thuận lợi, thị trường tiêu thụ truyền thống khôi phục và mở rộng... đang tạo sự hân hoan, cơ hội trong nuôi trồng, sản xuất đối với nông dân cũng như doanh nghiệp cá tra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều gam màu sáng nhưng ngành cá tra vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức, nguy cơ và rủi ro từ thị trường, biến đổi khí hậu... cần được các bên trong chuỗi sản xuất đồng hành để có hướng đi bền vững, ổn định. Các nội dung trên được Thông tấn xã Việt Nam thể hiện qua loạt 3 bài viết.

Bài 1: Vực dậy sau “ngủ đông”

Giá bán cá tra thương phẩm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bất ngờ tăng vọt sau thời gian dài “ngủ đông". Đây được xem là “cú hích” quan trọng lấy lại động lực cho người  nuôi cá tra ở khu vực này. Nhiều người nuôi đã dần tìm lại được lợi nhuận sau hơn hai năm lao đao. Giá cá tăng, thị trường xuất khẩu rộng mở còn là niềm hân hoan của các doanh nghiệp cá tra.

Sau Tết Nguyên đán, giá cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại, với mức giá dao động khoảng 29.500 - 30.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 - 5.500 đồng/kg so với cuối năm 2021, đem đến sự phấn khởi, vui mừng cho người nuôi.

Là địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất vùng, An Giang hiện có trên 1.487ha thả nuôi cá tra. Sản lượng cá tra thu hoạch từ đầu năm 2022 đến nay tăng đáng kể do giá bán tăng và nhu cầu chế biến xuất khẩu tăng. Điều này tạo sự phấn khởi rất lớn cho người nuôi cá tra.

Những ngày qua, gia đình ông Trần Văn Tuấn, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) rất phấn khởi vì giá cá tra đang được thu mua ở mức rất cao, từ 28.500 – 30.000 đồng/kg, tăng hơn 5.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán. Với 500 tấn cá tra nằm trong kích cỡ (size) xuất khẩu sắp thu hoạch, gia đình ông Tuấn xem như “hái lộc” đầu năm.

Cùng chung niềm vui, ông Nguyễn Văn Tâm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang như “nhặt được vàng” khi gần 700 tấn cá tra chuẩn bị xuất bán của gia đình ông được nhiều công ty hỏi mua và đặt hàng vào cuối tháng này với giá trên 30.000 đồng/kg (loại 1kg/con), tăng hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các hộ nuôi và doanh nghiệp cá tra, sở dĩ giá cá tra hiện nay tăng mạnh là do sau dịch COVID-19, nhiều hộ “treo ao”, nguồn cung cá nguyên liệu phục vụ xuất khẩu thiếu hụt.

Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Việt, tỉnh An Giang cho biết, giá cá tra hiện nay đang rất cao, người nuôi cá có lợi nhuận cao hơn so với trước Tết và cao hơn cùng kỳ năm 2021 rất nhiều. Dự báo thời gian tới, trước căng thẳng Nga-Ukraine, giá xăng dầu tăng cao, vì vậy, giá cá tra sẽ tiếp tục tăng.

Dịch COVID-19 đã kéo dài hơn 2 năm, cá tra không thu hoạch được, người nuôi phải nuôi lưu trong ao, ảnh hưởng tới kế hoạch thả giống mới. Ngoài ra, giá thức ăn tăng cao, giá thu mua cá tra giảm sâu và kéo dài, nhiều người không thả cá nuôi hoặc giảm sản lượng. Do đó, khi xuất khẩu phục hồi và tăng tốc thì xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, giá cá liên tục tăng sau Tết Nguyên đán. So với cùng kỳ 2021 (giá cá tra chỉ có 19.000 - 20.000 đồng/kg), giá cá tra nguyên liệu hiện nay đã tăng mạnh, người nuôi lãi lớn, ông Doãn Tới phân tích.

 

Không chỉ giá cá tra thương phẩm tăng mà giá bán cá tra giống cũng tăng. Hiện cá giống size 40 con/kg có giá bán gần 50.000 đồng/kg và khoảng 60.000 đồng/kg cá giống (size 30 con/kg), tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với cuối năm 2021 cũng đem lại nhiều phấn khởi cho người nuôi.

Long An từng là vùng nuôi ương cá tra giống lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với diện tích lên đến gần 3.500 ha, chiếm trên 50% diện tích toàn vùng. Tuy nhiên, việc bùng phát nuôi cá tra giống, tăng nhanh về diện tích và sản lượng đã làm dư thừa sản phẩm cá tra giống, mất cân đối cung - cầu đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ và hiệu quả sản xuất. Từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2021, giá cá tra giống luôn ở mức thấp, dao động từ 18.000 – 25.000 đồng/kg, phần lớn các hộ nuôi bị thua lỗ, rơi vào cảnh nợ nần. Nhiều người buộc phải bán đất, người còn thì chuyển đổi mục đích sang nuôi loại thủy sản khác hoặc cho lấp ao để quay trở lại trồng lúa, cây ăn trái.

Hiện giá cá giống tăng trở lại đã phần nào "vực dậy" tinh thần người ương cá giống ở Long An. Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Phước, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đầu tư nuôi hai ao cá tra giống với diện tích 1ha. Nhưng những năm gần đây, do thua lỗ phải bán đất để duy trì nuôi cá với hy vọng vớt vát, kiếm tiền trả nợ. Mấy tháng gần đây, giá cá tăng khá so với trước nên ông Long rất mừng.

"Tôi vừa bán đợt cá giống vừa rồi có giá 40.000 đồng/kg. Việc nuôi cá giống có lãi trở lại nên hy vọng thời gian tới, giá cá giống tiếp tục tăng và duy trì lâu để người nông dân có lãi thêm", ông Long chia sẻ.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra tăng mạnh đạt 384 triệu USD, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, xuất khẩu cá tra còn tiếp tục tăng. Đây cũng là thời điểm "ăn nên làm ra" của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.

 

Ông Doãn Tới cho biết, hiện mỗi tháng, Tập đoàn Nam Việt phải đảm bảo xuất từ 300-350 container cá tra thành phẩm cho các đối tác ở tất cả các thị trường. Từ Tết Nguyên đán đến nay, cả 4 thị trường lớn nhập mặt hàng cá tra Việt Nam là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU và châu Á đều tăng lượng nhập khẩu.

Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP dự báo, giá xuất khẩu cá tra ở tất cả thị trường đều tăng, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng từ 20 - 25% so với năm 2021; giá cá tra xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5%. Đối với những thị trường như Mỹ đang ở mức giá cao (3,95 USD/kg), Trung Quốc cũng tăng cao. Thị trường nhập khẩu phục hồi, tăng trưởng tốt; trong đó chủ yếu ở 4 nhóm chính: Trung Quốc (31%), Mỹ (23%), CPTPP (13%) và EU (6,6%),...

Cùng nhận định tình hình xuất khẩu cá tra có nhiều khởi sắc trong năm 2022, ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá (tỉnh Đồng Tháp), sẽ có nhiều thuận lợi về giá nguyên liệu và giá xuất khẩu cá tra, sản lượng cá tra sẽ tăng mạnh trở lại từ cuối năm 2022 - 2023. Giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển thế giới tăng cao, đánh bắt biển cũng đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn, do vậy cá nuôi nước ngọt (cá tra) của Việt Nam sẽ có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới. Chu kỳ tăng trưởng cá tra đã trở lại với những dự báo thuận lợi nhưng liệu rằng người nuôi, doanh nghiệp đã vẹn tròn niềm vui./.

Bài 2: Vẫn còn những nỗi lo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục