Kết nối chuỗi sản xuất - Bài 1: Tạo động lực tăng trưởng mới

12:58' - 26/11/2020
BNEWS Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh tự động hóa, gia tăng giá trị sản phẩm, chuyển đổi số...tạo động lực tăng trưởng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn bùng phát trên thế giới.

Sau gần một năm đối mặt với đại dịch COVID-19, doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn không ngừng nỗ lực vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.

Hơn thế nữa, đại dịch COVID-19 được đánh giá là chất xúc tác để doanh nghiệp tự "nhìn lại chính mình" và tìm lời giải cho bài toán quản trị sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh rủi ro và khủng hoảng thị trường toàn cầu.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là Tp. Hồ Chí Minh cũng tích cực triển khai đa dạng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tạo động lực cho các ngành sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Theo đó, phóng viên TTXVN thực hiện chuyên đề gồm 3 bài ghi nhận thực tế về chiến lược của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và ứng phó với giai đoạn khủng hoảng thị trường như hiện nay, cũng như thời gian tới.

Bài 1: Động lực tăng trưởng mới

Đánh giá kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, có thể dễ dàng thấy không ít doanh nghiệp "gác kiếm, thua trận".

Tuy nhiên cũng có thể thấy, hầu hết doanh nghiệp chú trọng vấn đề tự động hóa, gia tăng giá trị sản phẩm, chuyển đổi số... đã đẩy mạnh quá trình này hơn khi dịch COVID-19 bùng phát.

Điều này là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh thời gian qua nhiều ngành sản xuất, kinh doanh của Việt Nam vẫn loay hoay với bài toán khủng hoảng thị trường và tìm hướng đi trong xu hướng phát triển bền vững.

*Bứt phá khâu sản xuất

Năm 2020 được đánh giá là một năm đầy biến động, thách thức khi nền kinh tế trong và ngoài nước phải đối mặt với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng do đại dịch COVID-19, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt đã nỗ lực bứt phá trong sản xuất, kinh doanh.

Đây cũng là thời điểm mà nhiều doanh nghiệp đã vươn lên khẳng định thương hiệu thông qua đẩy mạnh chiến lược sản xuất, kinh doanh bền vững và gia tăng giá trị sản phẩm.

Điển hình, Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang cho biết, doanh nghiệp đang tiên phong trong việc ứng dụng những giải pháp công nghệ thông minh, sát cánh cùng cộng đồng “chiến đấu” với COVID-19.

Theo đó, có thể kể đến bộ giải pháp 3 sản phầm: đèn diệt khuẩn cho thang máy, văn phòng, bệnh viện, trường học, không gian lớn, tích hợp cảm biến thông minh, tự động, an toàn cho người sử dụng; đèn diệt khuẩn xách tay sử dụng trong gia đình, trên xe hơi cá nhân, xe taxi; hộp diệt khuẩn khử trùng vật dụng cá nhân.

Ngoài ra, sau hai năm liên tục nghiên cứu, phát triển, mới đây, Điện Quang chính thức ra mắt hệ thống giải pháp thông minh Điện Quang Smart thế hệ thứ hai (V2) được nâng cấp từ giải pháp thông minh thế hệ thứ nhất (V1).

Điện Quang Smart V2, là hệ thống các giải pháp thông minh ứng dụng cho nhiều không gian khác nhau từ nhà ở, văn phòng, công xưởng, bệnh viên, trường học, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đến thành phố thông minh giúp quản lý, điều khiển các thiết bị mọi lúc mọi nơi, hoặc theo kịch bản định trước.

Tương tự, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ tung ra thương hiệu mới - thương hiệu Style By PNJ vào đúng giai đoạn nước rút cuối năm (tháng 11/2020). Các thiết kế của Style By PNJ đều là những sáng tạo hoàn toàn mới, được áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến và là nguồn cảm hứng về phong cách, thể hiện tính cách của mỗi con người.

Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, bước đi này không chỉ thể hiện mục tiêu đón đầu xu hướng, mà còn tạo đà bứt phá, mang lại động lực tăng trưởng mới trong tương lai cho PNJ.

Sản phẩm thuộc thương hiệu Style By PNJ mang nhiều màu sắc và đa dạng về chất liệu vàng, bạc, hợp kim cao cấp, thép, da thuộc…Còn về chủng loại, gồm: nhẫn, bông tai, vòng cổ, lắc tay, vòng tay, cài áo, charm, charm giày, charm túi xách, móc khoá, mắt kính, đồng hồ…

Ở ngành thực phẩm, Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood (NutiFood) ra mắt sản phẩm Sữa tươi 100 điểm NutiMilk với 3.5g đạm và 4.0g béo trên 100 ml, hàm lượng dinh dưỡng tương đương sữa ngoại nhập.

Đây là dấu ấn mới của NutiFood cùng đội ngũ chuyên gia, bác sỹ dinh dưỡng đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi để cho ra những sản phẩm đột phá về chất lượng.

Bác sĩ Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc NutiFood cho biết, ngoài quy trình sản xuất, nguyên vật liệu đạt chuẩn cao, NutiFood phải đáp ứng tất cả yêu cầu về vấn đề an ninh vận chuyển, tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội... theo tiêu chuẩn quốc tế.

Những yêu cầu này cũng phù hợp với mục tiêu của NutiFood trên hành trình thực hiện chiến lược nâng chuẩn dinh dưỡng cao cho người Việt và vươn ra thế giới, mang đến những sản phẩm chất lượng cao cho người Việt Nam nói riêng và người tiêu dùng ở nhiều nước khác nói chung.

Theo hầu hết doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, để có thể ra mắt những sản phẩm mới, doanh nghiệp không chỉ xây dựng chiến lược phát triển bền vững, mà còn đầu tư nguồn lực và chuyên tâm nghiên cứu.

Song song đó, doanh nghiệp luôn phải bám sát thị trường, thị hiếu tiêu dùng... bởi sản phẩm mới vừa là giải pháp góp phần ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh ở giai đoạn biến động thị trường, vừa là minh chứng khẳng định cho thương hiệu Việt vững mạnh trong bối cảnh thị trường thương mại tự do.

* Số hóa doanh nghiệp

Ghi nhận tại Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, trong thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thương mại điện tử càng trở nên là công cụ hữu ích và mang tính đột phá, giúp doanh nghiệp linh hoạt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành và quản trị doanh nghiệp.

Theo ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cùng với thị trường toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nên xây dựng nền tảng thương mại tốt và an toàn là điều vô cùng cần thiết.

Trên thực tế có thể thấy, không chỉ người dân đã và đang thay đổi thói quen tiêu dùng theo xu hướng ưa chuộng mua sắm trực tuyến (online), mà doanh nghiệp cũng ngày càng cải tiến hơn trong công nghệ điện tử, chuyển đổi số.

Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử chỉ ra rằng, có 47% doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin hàng ngày trên website, 23% doanh nghiệp có cập nhật thông tin hàng tuần.

Điều này cho thấy, công nghệ điện tử, chuyển đổi số là mô hình sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp hướng đến trong hiện tại và tương lai.

Mới đây, Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020 được công bố; trong đó thống kê doanh thu thương mại điện tử từ B2C tại Việt Nam năm 2019 là 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả nước.

Đồng thời, có 42% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng đạt 25%. So với khu vực, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á.

Đánh giá về bước ngoặt chuyển đổi số, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, tại Việt Nam, hàng loạt sàn giao dịch thương mại điện tử hình thành đã tạo động lực cho doanh nghiệp chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh và từng bước thích ứng với nền kinh tế số.

Hiện nay, lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với con số 3.500.000 lượt khách/ngày.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết, nguyên nhân lĩnh vực công nghệ trở thành điểm sáng trong giai đoạn hiện nay đến từ xu hướng chuyển đổi số trong mọi ngành nghề vốn đã bắt đầu từ trước khi đại dịch xảy ra.

Đơn cử, nhờ có hệ thống ERP (hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) doanh nghiệp có được số liệu kịp thời để đưa ra những quyết định đúng lúc liên quan đến hàng tồn kho, lỗ lãi mặt hàng cụ thể… Hơn thế nữa, khi công ty kinh doanh đa dạng sản phẩm, việc sử dụng hệ thống ERP với tính kế thừa cao giúp công việc đơn giản, hiệu quả và tiện ích hơn.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may cho hay, đã chú trọng vấn đề tự động hóa trong những năm gần đây, nhưng dịch bệnh đã đẩy nhanh quá trình này hơn nữa. Việc tự động hóa toàn bộ từ khâu đầu tiên là bông thô đến khâu đóng gói cuối cùng, doanh nghiệp giảm số lượng lớn lao động, hay một số nhà máy đã áp dụng công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng…

Ở góc độ hiệp hội doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) nhận định, nền kinh tế không tiếp xúc mang lại nhiều cơ hội tiếp xúc với chi phí thấp hơn có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp và cả nền kinh tế. 

Đối với HAWA, đã sớm triển khai tổ chức hội thảo bán trực tuyến và đặt ra vấn đề số hóa triển lãm, xây dựng showroom định dạng thực tế ảo... để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất bán hàng./.

Xem thêm:

Kết nối chuỗi sản xuất - Bài cuối: Phát triển công nghiệp hỗ trợ liên vùng

Kết nối chuỗi sản xuất - Bài 2: Vá lỗ hổng cung ứng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục