Kết nối doanh nghiệp sản xuất với hệ thống phân phối

21:19' - 09/11/2020
BNEWS Chiều 9/11, Bộ Công Thương phối hợp Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị Kết nối cung, cầu hàng Việt Nam tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc.

Chiều 9/11, tại Vĩnh Long, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương phối hợp Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc.

Đây là một trong những hoạt động thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020.

Hội nghị thu hút 13 tỉnh, thành trên cả nước và 130 doanh nghiệp tham dự, với hàng trăm mặt hàng tiêu biểu của các vùng, miền tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế và xã hội, gây gián đoạn trong chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành, xuất khẩu và hoạt động thương mại của thị trường trong nước.

Để phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã có hàng loạt chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch.

Từ đó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tăng trưởng âm như nhiều nước trên thế giới.

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, trong 10 tháng năm 2020, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của cả nước tăng 1,27% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó mức bán lẻ hàng hóa tăng 5,44%.

Với sự tham gia của 130 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và 5 nhà phân phối hàng đầu tại Việt Nam, bà Lê Việt Nga kỳ vọng, hội nghị sẽ giúp kích cầu tiêu dùng hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Bên cạnh đó, thông qua hội nghị nhằm giúp cho các doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi phát triển kinh tế của đất nước; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt mong muốn hội nghị sẽ góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại.

Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội giao thương, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá những đặc trưng vùng, miền đến với thị trường trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, các đại biểu, doanh nghiệp, nhà phân phối đã thảo luận về nhu cầu kết nối, tiêu thụ hàng hóa, tiêu chuẩn tham gia các kênh phân phối…

Theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, Saigon Co.op luôn ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với các cơ sở sản xuất ngành hàng nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại tất cả các địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành khu vực phía Nam để tạo cơ hội và điều kiện phát triển cho các hợp tác xã nông nghiệp.

Đối với các mặt hàng nông sản, Saigon Co.op là một trong những nhà phân phối đầu tiên tham gia vào quá trình sản xuất và bao tiêu các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP đối với các hợp tác xã nông nghiệp, công ty, hộ nông dân.

Đây được xác định là nhóm hàng có nhu cầu lớn nhưng rất nhạy cảm do yếu tố thời vụ, có đặc tính khó bảo quản và đòi hỏi yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm cao.

Do đó, Saigon Co.op luôn đặt yêu cầu nhà sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân phải đảm bảo quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, cải tiến chất lượng, bao bì mẫu mã, kết hợp với việc áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất và công nghệ sau thu hoạch để có sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, có giá trị dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe.

Tại hội nghị đã có 26 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các doanh nghiệp và hệ thống phân phối./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục