Kết nối doanh nghiệp Việt với Tập đoàn AEON theo 4 nhóm ngành hàng

14:53' - 25/04/2019
BNEWS Ngày 25/4, Trung tâm Xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch Hà Nội và Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Kết nối doanh nghiệp Việt Nam với chuỗi cung ứng của Tập đoàn AEON”.

Phát biểu tại hội thảo “Kết nối doanh nghiệp Việt Nam với chuỗi cung ứng của Tập đoàn AEON” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch Hà Nội và Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/4, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch Hà Nội cho biết, hội thảo này nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Hà Nội nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung, tiếp cận hệ thống phân phối của Tập đoàn AEON (Nhật Bản), qua đó có định hướng sản xuất, chiến lược xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam đã nghe các chuyên gia của Tập đoàn AEON tư vấn về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và logistics đối với các nhóm hàng để tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối của Tập đoàn AEON.

Đồng thời chuyên gia kinh tế của Tập đoàn AEON cũng chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Nhật Bản nói chung và Tập đoàn AEON nói riêng của một số doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Đặc biệt, tại hội thảo diễn ra phiên kết nối doanh nghiệp Việt Nam với Tập đoàn AEON theo 4 nhóm ngành hàng gồm dệt may, đồ gia dụng, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.

Ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON TopValu Việt Nam cho hay, hội nghị kết nối hôm nay nhằm tiếp tục triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài đến năm 2020” và thực hiện cam kết tại Biên bản ghi nhớ (MOU) ký giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn AEON Nhật Bản năm 2018.

Theo đó, hai bên hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam vào hệ thống AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2025.

Mục tiêu của AEON đưa ra là muốn đặt hàng các nhà cung cấp Việt Nam số lượng lớn. Các sản phẩm có thể nhập khẩu được từ các nhà cung cấp Việt Nam, AEON đang có chính sách không chú trọng giá thành mà nâng cao sản lượng bán ra và lượng hàng bán ngày càng nâng cao.

“Chúng tôi đưa ra chính sách làm sao chuyển được vùng nguyên liệu từ nhà cung cấp Trung Quốc với giá tương đối cao sang vùng nguyên liệu rẻ hơn như Campuchia, Myanmar, Việt Nam và chúng tôi sẽ đặt hàng khối lượng lớn với các quốc gia này. Một số mặt hàng AEON có kế hoạch mở rộng như mỳ ăn liền, bánh chiên, hoặc các sản phẩm từ thịt gà, cá hồi...”, ông Shiotani Yuichiro nói.

Là một trong những đơn vị đồng hành cùng Bộ Công Thương trong việc thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài đến năm 2020”, bà Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, năm 2017, trên cơ sở ký kết với Tập đoàn AEON Nhật Bản, Hà Nội đã ký kết hợp đồng với Tập đoàn AEON trong 20 năm.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung kết nối giao thương với Tập đoàn AEON – Nhật Bản, đưa trực tiếp sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối AEON tại Nhật Bản và các nước; đồng thời giới thiệu Tuần hàng Việt Nam – Hà Nội 2019 trong hệ thống phân phối của AEON tại Nhật Bản dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 6/2019 qua đó lựa chọn các doanh nghiệp, sản phẩm có khả năng cung ứng vào hệ thống của AEON tham dự Tuần hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục