Kết nối doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu và gia vị tầm quốc tế

14:24' - 08/03/2024
BNEWS VIPO 2024 là cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, chia sẻ thông tin thị trường, kêu gọi các tác nhân trong ngành hồ tiêu và gia vị cùng hợp tác, phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.

Ngày 8/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp cùng với Bộ Công Thương và Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam đồng tổ chức Hội nghị Quốc tế ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam - VIPO 2024.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua. Xuất khẩu quế Việt Nam cũng đứng đầu thế giới kể từ năm 2022 và đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Hồ tiêu và gia vị của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đi hơn 120 quốc gia và chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.

Ông Huỳnh Tấn Đạt kỳ vọng, việc tổ chức hội nghị VIPO 2024 không chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, chia sẻ thông tin thị trường, cập nhật quy định mới của quốc gia nhập khẩu mà thông qua đó, VIPO 2024 còn nhằm mục đích kêu gọi tất cả các tác nhân trong ngành hồ tiêu và gia vị cùng tăng cường hợp tác và phát triển, xây dựng được chuỗi cung ứng lành mạnh và bền vững. Qua đó hỗ trợ hoạt động của Chính phủ trong vai trò kiến tạo và hiện thực hoá mục tiêu phát triển ngành gia vị Việt Nam bền vững và toàn diện trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đánh giá, dù duy trì vị thế là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, nhưng ngành hàng gia vị nói chung và hồ tiêu Việt Nam nói riêng cũng đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức đến từ biến động khó dự báo của thị trường; tác động không thuận lợi của tình hình thế giới… kéo theo hệ lụy về đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng, sức mua giảm…

Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ hồ tiêu và gia vị hàng đầu thế giới như Mỹ, EU, Trung Đông… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các nước sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu và gia vị như Việt Nam để thay đổi và phát triển.

Theo ông Lê Hoàng Tài, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trên cả nước triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ ngành hồ tiêu và gia vị đẩy mạnh phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm lớn cả trong và ngoài nước.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam chia sẻ, hội nghị nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gia vị của Việt Nam, tăng kết nối thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu nội địa với người mua nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường tiềm năng như: châu Âu, Mỹ, khu vực Trung Đông, các nước châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ.

"Ngoài việc kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, chúng tôi muốn giới thiệu đến cho doanh nghiệp, cộng đồng hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam hiểu được các yêu cầu của thị trường, định hướng của thị trường, từ đó có kế hoạch tổ chức sản xuất, rồi đến định hình thị trường xuất khẩu trong tương lai", bà Hoàng Thị Liên nhấn mạnh.

Theo bà Hoàng Thị Liên, qua hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp có thể đưa ra các giải pháp phát triển bền vững, nhằm duy trì các nguồn tự nhiên, cũng như đáp ứng các yếu tố môi trường, xã hội. Việt Nam đang thúc đẩy nền kinh tế xanh; trong đó có đảm bảo phát triển dân tộc thiểu số, bình đẳng giới.  Doanh nghiệp cần nhận thức và nâng cao hơn nữa vai trò trong việc đảm bảo sinh kế cho người dân, đưa nông dân vào chuỗi sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục