Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Vân Nam (Trung Quốc)

18:11' - 21/11/2022
BNEWS Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và Trung Quốc đã duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm.

Chiều 21/11, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã diễn ra Hội nghị quốc tế ngành nông sản trái cây xuất khẩu kết hợp giao thương trực tiếp và trực tuyến năm 2022 với hai điểm cầu tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Hội nghị do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, Thương hội Quốc tế Trung Quốc, tỉnh Vân Nam phối hợp tổ chức.

Hội nghị có sự tham gia của 260 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng các tỉnh, thành phố Việt Nam và Vân Nam (Trung Quốc) cùng 58 doanh nghiệp trong nước và 60 doanh nghiệp Trung Quốc.

Tại Hội nghị, Tổng thư ký Phòng Thương mại Quốc tế Trung Quốc tỉnh Vân Nam Mẫu Kiến Sinh nêu rõ, trong những năm gần đây, các yếu tố bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng, dịch bệnh kéo theo nhiều bất tiện cho giao lưu kinh tế và thương mại đã tác động ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Tuy nhiên, trong tình thế này, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Trung-Việt vẫn ngày càng sâu rộng và đã đạt được những kết quả rõ ràng. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và Trung Quốc đã duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm.

Đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam duy trì xu hướng tăng trưởng trong nhiều năm. Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 5/2022, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 90,3 tỷ đô la Mỹ.

Số liệu thống kê của Việt Nam cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 5/2022, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 14,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, có 23 mặt hàng có giá trị xuất khẩu là hơn 100 triệu đô la Mỹ.

 

Cũng theo ông Mẫu Kiến Sinh, để làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị, hợp tác và giao lưu, trong thời gian tới, hai bên cần thúc đẩy tối ưu hóa và nâng cấp kết cấu ngành nghề của các doanh nghiệp thông qua hợp tác ngành nghề; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, hỗ trợ phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng mới, tích cực thực hiện hợp tác xanh và ít carbon, đồng thời thúc đẩy phát triển nền tảng kỹ thuật số và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai Hà Đức Bình, trong quá trình hợp tác thương mại giữa hai nước, tỉnh Lào Cai tiếp tục khẳng định được vai trò là một trong các "cầu nối" quan trọng giữa các địa phương của Việt Nam, các nước Asean với thị trường Trung Quốc.

Lào Cai có hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện, thông suốt, kết nối toàn tuyến hàng lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Trong đó, điểm nhấn là việc tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai được đưa vào sử dụng từ năm 2014, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đến các cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai và ngược lại.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai khẳng định, hệ thống logistics của địa phương cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu trao đổi, giao thương hàng hóa giữa 2 nước và đang từng bước được đầu tư mở rộng hình thành các trung tâm logistics liên hoàn. Đặc biệt, tiềm năng, dư địa gia tăng giá trị trao đổi hàng hóa vẫn còn lớn khi tới đây Cảng hàng không quốc tế Sa Pa được đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn Lào Cai được chú trọng. Trong đó, địa phương chú trọng hiện đại hóa hoạt động hải quan, nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới nền tảng cửa khẩu quốc tế số để tạo điều kiện thông quan hàng hóa được nhanh hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn; hướng đến năm 2025, giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt 10 tỷ USD. Hoạt động hỗ trợ xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai cũng hết sức thuận tiện. Hiện có trên 200 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ xuất nhập khẩu.

Kết thúc Hội nghị là chương trình giao thương trực tuyến giữa 35 cặp doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại cần thiết và thiết thực đối với việc thúc đẩy hoạt động giao thương, hợp tác thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với thị trường tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); là cơ hội cho doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp logictics của Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp logictics của tỉnh Vân Nam và một số tỉnh lân cận phía Trung Quốc, từ đó tạo điều kiện tăng cường hợp tác, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp hai bên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục